Dự báo trên vừa được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra sau cuộc họp tìm giải pháp ứng phó khẩn cấp với Covid-19. 

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho biết, liên tiếp nhiều đơn hàng của các đơn vị thành viên bị huỷ, dừng từ giữa tháng 3. "Thương hiệu càng lớn, tỷ lệ cắt giảm đơn hàng càng nhiều và chưa có tín hiệu về thời gian phục hồi", ông Trường nói. Thực tế này sẽ khiến hầu hết đơn vị thiếu việc làm trong tháng 4 và 5. 

Là doanh nghiệp dệt may lớn, Tổng công ty May 10 đang đối diện tình trạng đối tác liên tục giảm số lượng mua hàng. Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho biết, khoảng 40.000 áo sơ mi đã sản xuất xong bị đối tác Hàn Quốc từ chối nhận và họ huỷ luôn đơn 39.000 sản phẩm trong tháng 4 theo kế hoạch. Ngoài ra, hàng trăm ngàn sản phẩm xuất cho phía Mỹ đang trên chuyền sản xuất cũng bị khách yêu cầu dừng.

"Doanh nghiệp thực sự không mong muốn nhận thêm thông tin về ngừng nhập khẩu. Nếu việc ngừng này xảy ra ở tất cả nước thì tổn thất sẽ rất lớn", ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho biết. 

Hay tại Tổng công ty Dệt may Hoà Thọ, tổng số hàng bị huỷ, lùi thời gian sản xuất, dừng sản xuất lên tới 500.000 sản phẩm.

Vinatex dự báo, dệt may Việt Nam có thể thiệt hại 11.000 tỷ đồng, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5, kinh tế phục hồi từ tháng 6. Trong đó, Vinatex thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. 

Công nhân Công ty Dệt kim Đông Xuân sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phòng Covid-19. Ảnh: Cao Hưng

Công nhân Công ty Dệt kim Đông Xuân sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phòng Covid-19. Ảnh: Cao Hưng

Mặt khác, tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng trưởng chậm. Trong khi đó, Trung Quốc đã hoạt động trở lại, và cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, hơn 20%. 

Không chỉ vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước áp lực lớn về tài chính, lao động. "Nếu không điều chỉnh chính sách, nhiều doanh nghiệp nguy cơ mất thanh khoản vào cuối tháng 4. Khoảng 30-50% lao động dệt may mất việc 2 tháng tới", Tổng giám đốc Vinatex thông tin.

Dệt may Việt Nam còn đang đứng trước vấn đề hàng tồn kho lớn. Hiện mỗi tháng ngành này nhập khẩu 1,5 tỷ USD nguyên liệu, riêng Vinatex là 120 triệu USD. Nếu 20% đơn hàng bị huỷ, khoảng 300 triệu USD vật tư nguyên liệu đã nhập về nhưng không được sử dụng, xếp kho. 

Trước khó khăn này, Vinatex cho biết sẽ cắt giảm chi phí, hoãn đầu tư; xin miễn, hoãn các loại bảo hiểm, phí công đoàn, hay đề nghị ngân hàng kéo dài thời gian trả nợ ngắn hạn lên 11 tháng, tránh doanh nghiệp bị rơi vào nợ quá hạn... Tập đoàn này cũng xin cấp có thẩm quyền xuất khẩu sản phẩm phòng dịch (khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt) và làm đầu mối tiếp nhận đơn hàng từ Chính phủ, các nước các sản phẩm này.

Ngoài ra, để ngăn việc sa thải hàng loạt, Hiệp hội Dệt may mới đây đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ 50% lương tối thiểu cho lao động dệt may bị thất nghiệp vì Covid-19.

Theo thống kê của hiệp hội này, khoảng 5 triệu lao động dệt may đang khó khăn, nhiều nơi đã giãn ca, giảm giờ làm. "Nếu được hỗ trợ 50% lương tối thiểu sẽ ổn định đời sống, không xảy ra việc sa thải hàng loạt lao động", lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cho hay. 

Theo vnexpress.net