CBOT: Thị trường nông sản ngập chìm trong sắc đỏ ngay phiên đầu tuần

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đóng cửa phiên đầu tuần đồng loạt quay đầu giảm mạnh, sau khi đã tăng đột biến trong giai đoạn cuối tuần trước.

Thị trường diễn biến đúng như những gì Giaodich24 đã cảnh báo trước đó. Việc giá tăng mà thiếu đi sự hỗ trợ chắc chắn từ các thông tin cơ bản và dẫn dắt nhiều bởi các quỹ đầu cơ thì thường không bền. Vì thế, chỉ cần một yếu tố bất lợi tác động tiêu cực, hoàn toàn có thể dẫn đến việc kích hoạt rất nhiều lệnh bán và khiến giá các mặt hàng biến động rất mạnh.

Đậu tương đóng cửa thấp hơn 21 cents so với cuối tuần trước. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của giá hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11 trong vòng 6 tháng trở lại đây. Giá chỉ giằng co trong phiên sáng, tuy nhiên đã giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên tối và duy trì lực bán áp đảo đến cuối phiên. Đơn hàng 132,000 tấn đậu tương bán cho Trung Quốc cùng với 303,000 tấn cho Pakistan và một nước giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales không có bất cứ tác động nào trong hôm qua, dù đây đã là phiên thứ 12 liên tiếp Trung Quốc phát sinh doanh số. Thời tiết tại Midwest hoàn toàn khô ráo, giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đậu tương. Cùng với mưa đã quay trở lại trên các khu vực miền trung Brazil, giúp cải thiện độ ẩm để nông dân có thể sớm gieo trồng trở lại, đều là các thông tin “bearish” mạnh tác động đến giá đậu tương trong tuần này. Ngoài ra, thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ cũng đã biến động rất mạnh trong ngày hôm qua, khi các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo khỏi các tài sản nhiều rủi ro. Tâm lý này đã khiến các quỹ đầu cơ chốt lời và bán ra đến 15,000 hợp đồng, góp phần không nhỏ trong đà giảm mạnh hôm qua của đậu tương.

Dầu đậu tương và khô đậu tương mặc dù đều giảm theo đà giảm của giá đậu tương. Tuy nhiên dầu đậu tương còn chịu thêm ảnh hưởng lớn bởi mức giảm của giá dầu thô thế giới khi các quốc gia châu Âu bùng phát dịch bệnh trở lại, khiến cho mặt hàng này đã chịu áp lực bán liên tục suốt từ giữa phiên sáng cho đến tận khi đóng cửa. Nhờ đó mà mức giảm của khô đậu tương được hạn chế và chỉ giảm hơn 1% trong phiên hôm qua. Vùng giá hiện tại đối với khô đậu vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nước nhập khẩu lớn, do dó, khô đậu tương vẫn chịu ảnh hưởng chính từ diễn biến của giá đậu tương chứ chưa có tác động độc lập nào tại thời điểm này.

Ngô kết thúc phiên giao dịch đầu tuần với các diễn biến giống hệt như đậu tương. Giá cũng giằng co trong phiên sáng, sau đó giảm rất mạnh khi bắt đầu phiên tối và chỉ phục hồi như vào cuối phiên khi bị đẩy về vùng hỗ trợ 370. Thời tiết tại Midwest và miền nam Brazil đều đang thuận lợi cho mùa vụ ngô năm nay, là yếu tố cơ bản tác động lớn nhất đến giá ngô tại thời điểm này. Tuy nhiên, việc các quỹ đầu cơ đã chốt lời 25,000 hợp đồng là nguyên nhân chủ yếu cho việc giá ngô giảm gần hết giá trị đã tăng trong 3 phiên cuối tuần trước. Trong báo cáo Crop Progress sáng nay của USDA, tiến độ thu hoạch ngô chỉ tăng nhẹ 3% so với tuần trước, thấp hơn nhiều so với khoảng dự đoán trung bình của thị trường và các chuyên gia. Đây là thông tin nhiều khả năng có thể cản lại đà giảm của giá ngô trong phiên hôm nay.

Lúa mỳ tiếp tục lại là mặt hàng biến động mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua, với mức giảm lên đến hơn 20 cents, xóa sạch toàn bộ mức tăng trong phiên cuối tuần trước. Diễn biến này hoàn toàn không có gì bất ngờ do lúa mỳ tăng chủ yếu bởi việc các quỹ đồng loạt mua vào, chứ không phải vì yếu tố cung cầu. Nên khi các quỹ rút 1 nửa vị thế mua ròng đang nắm giữ thì đã tạo ra lực bán áp đảo hoàn toàn thị trường. Lực mua chỉ xuất hiện một chút khi giá giảm về vùng hỗ trợ 550, khiến giá lúa mỳ phục hồi nhẹ ngay trước khi đóng cửa. Thị trường đang kỳ vọng rằng ở vùng giá này sẽ giúp các nước nhập khẩu lớn bắt đầu mua hàng tiếp. Cùng với thời tiết mùa vụ không thuận lợi tại hầu khắp các khu vực gieo trồng lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Ukraina, Argentina. Sẽ là các yếu tố hỗ trợ chính cho giá lúa mỳ trong tuần này.

Giaodich24