CBOT: Các quỹ đầu cơ bán mạnh gây sức ép lên toàn bộ nhóm nông sản

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT ngập chìm trong sắc đỏ, với các mức sụt giảm rất mạnh vào cuối phiên.

Áp lực chốt lời từ các quỹ đầu cơ, cùng với đồng Dollar tăng trở lại và các thị trường tài chính khác đều suy giảm là nguyên nhân chính gây sức ép lên toàn bộ thị trường hàng hóa nói chung và thị trường nông sản nói riêng trong ngày hôm qua. Gói cứu trợ 1,900 tỷ USD của tổng thống Biden đang vấp phải sự phản đối mạnh từ Đảng Cộng hòa, trong khi biến chủng mới của Covid-19 với mức độ nguy hiểm tăng cao, cũng tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường,

Đậu tương đóng cửa giảm mạnh 4.27% về mức 1311.75 cent/giạ, thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. So với mức giá cao nhất mà đậu tương đạt được sau báo cáo Cung – cầu tháng 1, giá đậu tương đã giảm đến 9.7% và mức giảm trong tuần này đã xóa sạch mức tăng tích lũy từ đầu năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá đậu tương cần phải giảm về đúng với giá trị cơ bản của nó để có thể hạn chế lực bán của nông dân và kích thích lực mua từ các nhà máy. Các quỹ đầu cơ cũng đã bán ròng 40,000 hợp đồng trong phiên hôm qua, nâng tổng số hợp đồng bán ròng trong tuần này lên mức gần 70,000. Mặc dù Trung Quốc đã mua thêm 136,000 tấn đậu tương Mỹ trong báo cáo Daily Export Sales cùng các số liệu bán hàng tăng mạnh so với tuần trước trong báo cáo Export Sales, tuy nhiên, đồng Real tiếp tục giảm mạnh hơn 2% và IHS Markit tăng dự báo diện tích gieo trồng đậu tương Mỹ niên vụ tới lên mức 90.1 triệu mẫu, cao hơn 0.6 triệu so với báo cáo trước, đều là các thông tin “bearish” cân bằng lại.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đồng loạt suy yếu theo giá đậu tương. Trong đó, khô đậu tương là mặt hàng có mức giảm mạnh hơn do cùng các yếu tố cơ bản với đậu tương. Vùng giá 420 được cho là mức chờ đợi của nhiều buyer lớn của châu Á, vì thế nhiều chuyên gia cho rằng đây là nhịp điều chỉnh cần thiết để thị trường cân bằng lực mua bán. Mức giảm mạnh của khô đậu tương cũng hạn chế phần nào đà giảm của dầu đậu tương, giúp cho mặt hàng này giữ được vùng giá 42.3 cents khi kết thúc tuần.

 

Ngô là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua. Giá đã chạm đến mức limit down trong phiên hôm qua rồi phục hồi nhẹ trở lại, sau đó tiếp tục giảm về sát mức hỗ trợ tâm lý quan trọng 500 cents khi đóng cửa. Mặc dù số liệu bán hàng tuần này vẫn cao hơn khoảng dự đoán của thị trường, nhưng việc xuất khẩu giảm mạnh gần 40% so với tuần trước đang khiến thị trường lo ngại về việc đạt được mục tiêu xuất khẩu mà USDA đề ra. Bên cạnh đấy, IHS Markit tăng dự báo diện tích gieo trồng ngô niên vụ tới của Mỹ lên mức 94.2 triệu mẫu, cao hơn 3.1 triệu mẫu so với báo cáo trước là thông tin “bearish” rất mạnh, trong bối cảnh thị trường rất lo ngại về việc dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát trở lại tại Trung Quốc. Sản lượng Ethanol tăng nhẹ và tồn kho giảm nhẹ, lẽ ra cũng là yếu tố “bullish” với giá ngô, tuy nhiên các quỹ đã bán ròng đến 50,000 hợp đồng trong ngày hôm qua do nhu cầu với Dollar tăng, khiến giá rơi rất mạnh vào cuối phiên.

Lúa mỳ giảm cũng giảm mạnh gần 4% trong phiên hôm qua, về mức 634.50 cent/giạ. Không giống với diễn biến giảm mạnh vào cuối phiên như ngô hay đậu tương, lúa mỳ đã suy yếu liên tục từ cuối phiên sáng và tiếp tục yếu thêm trong phiên tối do tác động tiêu cực từ các mặt hàng còn lại. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia đã quay lại thị trường với việc mua tổng cộng 500,000 tấn, theo sau 390,000 tấn của Algeria phiên trước đó, nhưng tác động tiêu cực từ việc các quỹ đầu cơ bán ròng đến 25,000 hợp đồng vẫn khiến lực bán áp đảo cho đến tận cuối phiên.