CBOT: Ngô tiếp tục đà tăng nhờ số liệu tích cực từ báo cáo Grain Stocks

Thị trường nông sản quay lại với các diễn biến giao dịch bình thường trong ngày hôm qua. Tuy không còn sự rung lắc mạnh, nhưng nhìn chung các mặt hàng đều có thay đổi đáng kể khi kết thúc phiên, ngoại trừ đậu tương.

Đúng như Giaodich24 đã phân tích, số liệu từ báo cáo Grain Stocks chỉ thực sự “bullish” đối với ngô, còn đậu tương được ảnh hưởng tích cực bởi mức đà rất mạnh của ngô kèm theo các thông tin hỗ trợ khác. Do đó, diễn biến trong hôm qua cho thấy thị trường đã bắt đầu ổn định trở lại chứ không còn duy trì trạng thái mua bán bất thường như khoảng thời gian sau lúc báo cáo phát hành.

Avatar

Đậu tương kết thúc phiên hôm qua không có bất cứ sự thay đổi nào. Giá tăng mạnh trong phiên sáng lên giằng co trong vùng 1030 – 1035, do tác động kéo dài từ sau báo cáo Tồn kho. Sau đó, giá giảm mạnh trở lại khi bắt đầu phiên tối và duy trì đà giảm đến cuối phiên, bất chấp việc Mỹ bán được 120,000 tấn đậu tương cho Ai Cập. Tác động “bearish” đến giá đậu tương trong ngày hôm qua chủ yếu đến từ số liệu từ báo cáo Export Sales. Bán hàng đậu tương tuần này giảm 20% so với tuần trước, chủ yếu do bán hàng cho Trung Quốc giảm gần 600,000 tấn. Tuy vậy thì đây cũng là điều được thị trường dự báo trước đó, khiến cho tác động “bearish” này không quá mạnh. Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ kéo dài đến hết mùng 8/10 tới, dẫn đến các hoạt động mua bán bị ngưng trệ và khiến cho giá đậu tương mất đi nguồn lực hỗ trợ lớn ở thời điểm hiện tại. Ở Brazil, đang có tin đồn về việc chính phủ Brazil có thể tăng thuế xuất khẩu đối với đậu tương. Trong khi đó thuế xuất khẩu đậu tương ở Argentina có thể giảm từ 33% xuống 30% trong tháng 10. Hai thông tin trên có tác động trái chiều và nhiều khả năng giá đậu tương cũng sẽ không có biến động nào đáng kể trong phiên hôm nay.

Dầu đậu tương và khô đậu tương quay lại diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Giá khô đậu tương bắt đầu tăng mạnh từ giữa phiên sáng và tiếp tục tăng mạnh nhờ số liệu “bullish” trong báo cáo Export Sales tuần này. Bán hàng khô đậu tương của Mỹ niên vụ 20/21 đã tăng 70% so với tuần trước đó, trong khi nguồn cung đang khá eo hẹp của cả khô đậu lẫn sản phẩm thay thế là DDGs. Giá chỉ giảm nhẹ vào cuối phiên khi gặp phải mức kháng cự rất mạnh ở vùng giá 350. Trong khi đó, việc giá đậu tương không thay đổi và khô đậu tương tăng mạnh đã tạo áp lực khiến giá dầu đậu tương giảm hơn 2%. Chính phủ Argentina cũng có thể sẽ giảm mức thuế xuất khẩu dầu đậu tương từ 33% xuống 28% trong tháng 10 này, cũng là nguyên nhân chính góp phần khiến giá mặt hàng này sụt giảm mạnh.

Ngô tiếp tục tăng 1% trong phiên hôm qua vẫn chủ yếu do tác động tích cực từ số liệu tồn kho trong báo cáo Grain Stocks. Kết hợp cùng với báo cáo Export Sales đã giúp mức tăng của ngô được duy trì ổn định trên vùng giá 380 – 385. Mặc dù mua hàng ngô từ Trung Quốc giảm mạnh trong tuần này, nhưng tổng doanh số bán hàng chỉ giảm rất nhẹ, và còn cao hơn nhiều so với khoảng dự đoán của thị trường trước báo cáo. Việc tồn kho cuối niên vụ 2019/20 giảm mạnh kết hợp xuất khẩu đang có xu hướng tăng trong niên vụ 2020/21 sẽ khiến USDA cần phải điều chỉnh lại số liệu tồn kho cuối niên vụ 2020/21 của ngô trong báo cáo WASDE tháng 10. Đây sẽ là thông tin mà thị trường chờ đợi nhất và có vai trò hỗ trợ khá lớn đối với giá ngô tại thời điểm này.

Lúa mỳ sau khi giằng co quanh mức 580 trong phiên sáng qua đã bất ngờ giảm mạnh khi bước vào phiên tối. Mặc dù số liệu bán hàng lúa mỳ trong báo cáo Export Sales tăng đến hơn 40% trong tuần này, nhưng việc phần lớn các cuộc đấu thầu từ các quốc gia nhập khẩu chính gần đây đều không thành công, đã tạo tác động “bearish” lên giá lúa mỳ. Về dài hạn, nguồn cung lúa mỳ vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết ở khắp các vùng gieo trồng chính ở Bắc bán cầu. Chỉ số hạn hán tại Mỹ đã tăng mạnh trở lại trong tuần vừa rồi do thời tiết thiếu mưa ở hầu khắp các khu vực, đặc biệt là vùng đồng bằng phía Nam, Do đó, giá lúa mỳ ngày hôm qua gần như chỉ bị tác động bởi yếu tố chốt lời sau khi đã tăng vọt hơn 5% trong phiên trước đó.