CBOT: Số liệu bán hàng tích cực trong báo cáo Export Sales giúp giá tăng mạnh

Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT trong phiên hôm qua, chủ yếu nhờ các số liệu bán hàng tích cực của tuần kết thúc ngày 07/01 được USDA công bố trong báo cáo Expot Sales.

Đồng Dollar suy yếu tiếp tục giúp cho đồng Real Brazil có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, điều này đã hạn chế rất nhiều lực bán ra từ nông dân nước này. Kết hợp với lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn đã giúp giá các các mặt hàng tăng vọt lên mức cao nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây.

Đậu tương tăng rất mạnh 1.72%, lên mức 1430.50 cent/giạ, cao nhất kể từ tháng 6/2014 đến nay. Giá hầu như chỉ đi ngang với khoảng hẹp quanh mức 1410 trong suốt phiên sáng. Sau đó, số liệu bán hàng đậu tương niên vụ cũ lẫn niên vụ mới trong báo cáo Export Sales tuần này của Mỹ đạt mức 1.23 triệu tấn, cao hơn khoảng dự đoán của thị trường, đã giúp lực mua áp đảo hoàn toàn trong suốt phiên tối. Giá đã tăng vọt đến hơn 20 cents và chỉ bị cản lại nhẹ vào cuối phiên do tâm lý chốt lời. Bên cạnh đấy, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong năm nay được kỳ vọng sẽ vượt qua còn số 100 triệu tấn, một ngưỡng quan trọng về tấm lý, cũng đã góp phần giúp giá tăng vọt trong phiên hôm qua, bất chấp triển vọng Brazil chuẩn bị có một mùa vụ thu hoạch ở mức kỷ lục.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đồng loạt tăng mạnh trong phiên tối qua theo xu hướng của giá đậu tương, dù diễn biến trái chiều nhau trong nửa đầu phiên sáng. Giá khô đậu tương tiếp tục test lại mức kháng cự 460 đã khiến giá dầu đậu tương bị đẩy sâu về mức hỗ trợ 41.50. Sang đến phiên tối, số liệu bán hàng khô đậu tương đạt mức cao nhất niên vụ trong báo cáo Export Sales đã giúp giá mặt hàng này tăng vọt và chỉ bị cản lại ở mức kháng cự 465. Trong khi đó, dầu đậu tương tăng vọt lên trên cả mức kháng cự 43 cents, bất chấp việc giá dầu cọ giảm rất mạnh 4.5%, mức giảm mạnh nhất trong 8 tháng qua của mặt hàng này. Qua đó, nới rộng khoảng cách giữa dầu cọ và dầu đậu tương lên mức cao nhất 4 tháng. Nhập khẩu dầu thực vật của Ấn Độ trong tháng 12 đã tăng vọt đến 20%, trong đó nhập khẩu dầu đậu tương tăng 29% là yếu tố hỗ trợ chính cho giá trong phiên hôm qua.

 

Ngô đóng cửa tăng mạnh 1.86% lên mức 534.25 cent/giạ, cao nhất kể từ tháng 7/2013. Cũng giống như với đậu tương, bán hàng ngô của Mỹ tuần này trong báo cáo Export Sales đạt 1.4 triệu tấn, cao hơn 200,000 tấn so với khoảng dự đoán trước đó của thị trường đã giúp giá ngô tăng rất mạnh trong phiên tối, vượt lên trên cả mức kháng cự 530 và chỉ giảm nhẹ vào cuối phiên cũng do tâm lý chốt lời sớm của giới đầu cơ. Ủy ban thương mại Rosario (BCR) dự báo sản lượng ngô năm nay của Argentina chỉ đạt mức 46 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với dự đoán trước đó do ảnh hưởng từ thời tiết bất lợi, cũng góp phần vào mức tăng trong phiên hôm qua của giá ngô. Thời tiết chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể ở khu vực này, sẽ còn gây ra khá nhiều lo ngại cho mùa vụ ngô Nam Mỹ trong thời gian tới.

Lúa mỳ tăng 1.44% lên mức 670.00 cent/giạ, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 6/2014 đến nay. Bất chấp số liệu “bearish” trong báo cáo Export Sales khi bán hàng lúa mỳ chỉ đạt 232,000 tấn, thấp hơn khoảng dự đoán của thị trường, thì mức tăng rất mạnh của nhóm nông sản nói chung và ngô nói riêng đã tác động “bullish” mạnh đến giá lúa mỳ. Tuy nhiên vẫn cần chú ý là mức tăng này đang không đi kèm với nhu cầu thực tế từ các nước nhập khẩu chính, do đó thường không bên và giá có thể chịu ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý của các quỹ đầu cơ. Việc giá không vượt lên được mức kháng cự 670 trong tối qua và đóng cửa ở ngay mức này có thể sẽ tác động tiêu cực đến diễn biến của lúa mỳ trong phiên hôm nay.