CBOT: Lúa mỳ có phiên tăng đột biến trong khi các mặt hàng khác đều ổn định

 

Các mặt hàng nông sản đa phần đều đóng cửa với sắc xanh trong ngày hôm qua và mức thay đổi không quá 1%, ngoại trừ mức tăng đột biến của lúa mỳ.

Đậu tương đóng cửa có phiên tăng thứ 7 liên tiếp mặc dù giá đã bị đẩy xuống rất mạnh ngay trong đầu phiên sáng, do tác động từ thời tiết thuận lợi trong đầu tuần tại Midwest và không xuất hiện các đơn hàng mới từ Trung Quốc. Tuy nhiên chất lượng đậu tương tiếp tục giảm mạnh 3% trong báo cáo Crop Progress cùng với dự báo năng suất giảm từ 54.2 xuống 52.9 giạ/mẫu của StoneX đã giúp giá tăng trở lại. Sang đến phiên tối, đơn hàng 132,000 tấn cho một quốc gia giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales là nguyên nhân chính hỗ trợ giá tăng vọt ngay khi mở cửa. Giống như Giaodich24 đã phân tích trước đó, việc xuất hiện các đơn hàng trong ngày sẽ có tác động khá lớn đến giá đậu tương. Tuy nhiên, giá trị đơn hàng hôm qua không lớn, và lại không phải đến từ Trung Quốc đã khiến giá suy yếu trong suốt phiên tối. Bên cạnh đấy, việc StoneX vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng đậu tương Brazil ở mức kỷ lục 132.6 triệu tấn cũng tạo áp lực đáng kể lên giá đậu tương trong thời gian tới.

Dầu đậu tương và khô đậu tương có diễn biến khá giống nhau trong phiên hôm qua và chủ yếu là đi theo sự thay đổi của giá đậu tương. Mặc dù chịu áp lực bán khá lớn trong phiên tối nhưng mức 310 của khô đậu tương cho thấy đây sẽ là mức hỗ trợ rất mạnh trong ngắn hạn, giúp cho giá khô đậu không bị giảm quá mạnh. Dầu đậu tương cũng giảm trong suốt cả phiên tối, tuy nhiên nhờ mức giảm của khô đậu đã giúp cho giá dầu đậu đóng cửa vẫn giữ được sắc xanh, với chỉ 0.02 cent cao hơn phiên trước đó.

Ngô tiếp tục có các diễn biến giống hệt đậu tương và cũng chỉ tăng rất nhẹ 0.25 cent khi kết thúc phiên hôm qua. Báo cáo Crop Progress cho thấy mức giảm 2% chất lượng tốt – tuyệt vời, thấp hơn so với mức 3% dự đoán của thị trường đã khiến giá ngô có gapdown nhỏ và giảm đáng kể trong đầu phiên sáng. Tuy nhiên, StoneX giảm dự báo năng suất ngô xuống còn 179.6 giạ/mẫu, so với 182.4 giạ/mẫu trong báo cáo trước đó, cùng với lực mua hỗ trợ ở ngưỡng 350 đã khiến giá ngô tăng trở lại. Trung Quốc tiếp tục mua thêm 596,000 tấn ngô trong ngày hôm qua, nâng tổng số ngô đã đặt hàng từ nước này trong niên vụ 20/21 lên mức 9.14 triệu tấn. Hãng tư vấn APK-Inform cũng giảm dự báo sản lượng ngô của Ukrain niên vụ 20/21 từ 37.3 xuống mức 35.1 triệu tấn do thời tiết bất lợi. Các thông tin trên đã hỗ trợ giá ngô trong suốt phiên tối qua và cho đến sáng nay.

Lúa mỳ bất ngờ tăng đột biến trong phiên tối qua, sau khi giao dịch lình xình trong suốt phiên sáng và đóng cửa với mức tăng mạnh hơn 2%. Tác động quan trọng nhất đến giá lúa mỳ trong ngày hôm qua là việc Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu lúa mạch từ Úc do cáo buộc trong các lô hàng của Úc chứa các loại “cỏ dại có hại”. Trước đó hồi cuối tháng 5, Trung Quốc cũng đã áp mức thuế chống bán phá giá lên hơn 80% đối với lúa mạch Úc, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ khá lớn, khiến các nhà nhập khẩu trong nước phải tìm cách mua các loại nông sản thay thế khác. Điều này thường có tác động hỗ trợ đáng kể đến giá lúa mỳ, và giúp cho giá tăng vọt gần 20 cent sau khi mở cửa phiên tối và duy trì lực mua áp đảo trong suốt thời gian còn lại.

 

Giaodich24