I. Đậu tương, khô đậu, dầu đậu tương

Đậu tương đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm qua và đang quay đầu giảm trở lại trong phiên sáng nay. Khô đậu cũng liên tục giảm điểm, hiện đã trượt xuống dưới mức hỗ trợ 320 quan trọng. Nhìn chung, xu hướng của khô đậu đang khá yếu do thiếu đi lực mua hàng thật từ các buyers châu Á. Giá CBOT cao kết hợp với giá basis cao tại Nam Mỹ là nguyên nhân khiến các buyers Việt Nam hầu như không mua khô đậu ở thời điểm này.

Trong báo cáo Prospective Plantings tối qua, USDA dự đoán diện tích gieo trồng đậu tương Mỹ 2020 sẽ đạt 83.51 triệu mẫu, so với 84.86 dự đoán, 85.0 trong báo cáo Outlook Forum hồi tháng 2, nên rõ ràng đây là thông tin “bullish” đối với thị trường. Tuy nhiên, do diện tích vẫn cao hơn nhiều so với năm ngoái, nên giá không thể tăng mạnh.

Tồn kho quý đậu tương đến hết 01/03 đạt 2.253 tỉ giạ, so với 2.241 dự đoán và 2.727 cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho quý thấp hơn 466 triệu giạ so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi USDA dự đoán tồn kho cuối vụ 2019/20 sẽ giảm 481 triệu giạ so với niên vụ trước, là mức chênh lệch không nhiều, nên báo cáo này không có nhiều tác động đến giá đậu tương.

Tác động từ các báo cáo ngày 31/03 của USDA có thể nói là nhẹ nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Biến động thị trường không đáng kể do tâm lý vẫn rất thận trọng trong bối cảnh đại dịch Corona vẫn tiếp tục có diễn biến tiêu cực tại Mỹ và châu Âu. Tác động của đại dịch ban đầu sẽ là “bearish”, khi ảnh hưởng tới thị trường tài chính, dầu thô và tác động gián tiếp đến ngũ cốc. Nhưng càng về sau, tác động sẽ chuyển sang “bullish”, bởi các lệnh hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng tới logistics tại cả Mỹ và Nam Mỹ, gây gián đoạn nguồn cung. Vì thế, Giaodich24 vẫn thiên về dự đoán giá sẽ tăng trong tháng 4 này. Tác động từ logistics có thể ảnh hưởng tới cả việc vận chuyên hạt giống, phân bón và các vật tư nông nghiệp tại Mỹ trước giai đoạn gieo trồng đậu tương mùa vụ mới.

 Dự đoán đậu tương tháng 5: Giá có thể sẽ sớm đảo chiều tăng trở lại và có xu hướng tăng điểm rõ ràng hơn trong vài ngày tới.

 Dự đoán khô đậu tháng 5: Giá sẽ điều chỉnh và về lại vùng giá 320, và sẽ sớm tăng trở lại giao dịch với khoảng 320 – 335 trong thời gian tới.

 Dự đoán dầu đậu tương tháng 5: Giá sẽ giao dịch trong biên độ từ 26.82 xuống đến 26.42 theo diễn biến kỹ thuật trong ngày hôm nay.

II. Ngô

Ngô đóng cửa ít thay đổi trong ngày hôm qua, dù các báo cáo của USDA thiên về “bearish” mạnh. Diện tích gieo trồng ngô Mỹ 2020 dự báo đạt 96.99 triệu mẫu, cao hơn mức 94.32 trong dự đoán của Reuters, cao hơn mức 94.0 trong hội thảo USDA Ag Outlook Forum và cao hơn nhiều mức 89.70 triệu mẫu đã gieo trồng năm ngoái. Đây là mức diện tích gieo trồng cao nhất từ năm 2012/13 tới nay, và rõ ràng đã nằm ngoài dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, báo cáo chỉ khiến ngô giảm xuống đến mức 335 trong khoảng thời gian rất ngắn, sau đó bật tăng trở lại.

Báo cáo Tồn kho quý của ngô đạt 7.952 tỉ giạ, thấp hơn so với mức 8.125 dự đoán, có thể là nguyên nhân khiến giá tăng trở lại vào cuối phiên. Tồn kho quý đến hết 01/03/2020 giảm 661 triệu giạ so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi USDA dự đoán tồn kho cuối vụ 2019/20 sẽ giảm 329 triệu giạ so với niên vụ trước. Qua đó, có thể thấy mức tiêu thụ ngô đang nhiều hơn so với kế hoạch và ít nhất tồn kho cuối vụ ngô sẽ không tăng lên nhiều như các đồn đoán trước đó trong các báo cáo sắp tới.

Hiện nay, tâm lý chung của thị trường ngô vẫn là “bearish” bởi do lo ngại giảm nhu cầu sử dụng ethanol tại Mỹ. Tâm lý này sẽ vẫn tạo áp lực lên giá ngô và Giaodich24 cho rằng giá chỉ đang phản ứng chậm với các báo cáo của USDA, và sẽ bị đẩy xuống trong vài phiên tới.

 Dự đoán ngô tháng 5: Giá có thể sẽ ít biến động trong vài phiên tới, nhưng sẽ theo xu hướng giảm nhẹ.

III. Lúa mỳ

Lúa mỳ đang có 2 phiên liên tiếp đóng cửa giảm nhẹ đối với hợp đồng tháng 5, nhưng tăng điểm đối với các hợp đồng từ tháng 7 trở đi. Nguyên nhân có thể đến từ việc giá lúa mỳ tháng 5 đã tăng khá nhiều và nhanh hơn các hợp đồng tháng xa trong giai đoạn trước đó, nên hiện nay đang có nhiều lực bán chốt lời hơn trên thị trường.

Báo cáo Prospective Plantings dự báo diện tích gieo trồng lúa mỳ Mỹ 2020 đạt 44.65 triệu mẫu, thấp hơn không đáng kể so với dự đoán 44.98, và cũng không chênh lệch nhiều so với USDA Ag Outlook Forum và diện tích năm ngoái. Vì thế, báo cáo này không có nhiều tác động và cũng không phải là số liệu được thị trường chú ý. Báo cáo đáng chú ý hơn là Grain Stocks, bởi đây là báo cáo quý cuối cùng trước khi lúa mỳ kết thúc niên vụ 2019/20. Số liệu tồn kho đến hết 01/03 của lúa mỳ đạt 1.412 tỉ giạ, so với 1.432 dự đoán và 1.593 cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho thấp hơn 171 triệu giạ so với năm ngoái, trong khi USDA dự đoán tồn kho cuối vụ 2019/20 sẽ giảm 140 triệu giạ so với niên vụ trước. Qua đó có thể thấy tốc độ tiêu thụ lúa mỳ đang ở mức trung bình và tồn kho lúa mỳ sẽ không bị thay đổi dự đoán nhiều trong 1 – 2 báo cáo WASDE sắp tới. Sau các số liệu này, Giaodich24 cho rằng lúa mỳ sẽ chưa có biến động mạnh, và sẽ vẫn bị tác động bởi xu hướng chung trên thị trường hàng hóa nói chung và ngũ cốc nói riêng.

 Dự đoán lúa mỳ tháng 5: Giá có thể sẽ giao dịch lình xình với các khoảng hẹp trong vài phiên tới, khó xảy ra biến động mạnh. Giao dịch trong phiên ngày hôm nay; giaodich24 cho rằng giá sẽ có sự điều chỉnh giảm nhẹ về vùng 553 trước khi tăng theo xu hướng chính mà giaodich24 nhận định từ trước.

Giaodich24