Số ca nhiễm virus Covid-19 mỗi ngày trên thế giới tuần qua đã tăng gấp đôi, lên 84 trường hợp/1 triệu dân, so với chỉ 46 trường hợp/1 triệu dân vào cuối tháng 6, theo dữ liệu thống kê chính thức của Refinitif.
Bắc Mỹ đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng lên gần 300 ca/1 triệu dân mỗi ngày, từ mức 40 ca cách đây 2 tháng, trong khi ở châu Âu, con số này đã tăng từ 50 lên 170 ca, và châu Á từ 30 ca lên 60 ca.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở tất cả các khu vực tiêu thụ dầu mỏ chủ chốt, làm cho các kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội và khôi phục vận tải hàng không quốc tế bị hoãn lại, khiến giá dầu liên tiếp giảm trong những phiên vừa qua.

Số ca nhiễm virus tăng mạnh

Giá dầu đã giảm liên tiếp 7 phiên (12-20/8), và tuần qua giá giảm nhiều nhất trong vòng hơn 9 tháng do các nhà đầu tư bán tháo hợp đồng tương lai với dự đoán nhu cầu nhiên liệu suy yếu trên toàn thế giới do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19.
Phiên cuối tuần, 20/8, giá dầu Brent giảm 1,27%, tương đương 1,9%, xuống 65,18 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4/2021; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,37 USD, tương đương 2,2%, xuống 62,32 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 8%, còn dầu WTI mất hơn 9%, mức giảm nhiều nhất mất khoảng 8%. tính chung cả tuần mất hơn 9%.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang ứng phó với tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 gia tăng do virus biến thể Delta bằng cách bổ sung các hạn chế đi lại.
Francisco Blanch, chiến lược gia hàng hóa của Bank of America, cho biết: “Thị trường dầu đã nhanh chóng nhận thấy rằng virus biến thể Delta đang là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng và là trở ngại tiềm tàng đối với sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu/hoạt động đi lại”.
"Hàng không vẫn là mắt xích yếu nhất trong chuỗi nhu cầu dầu trên toàn cầu tại thời điểm hiện tại, và nguy cơ hạn chế đi lại gia tăng hơn nữa, kể cả đi lại trong nước và giữa các nước do virus biến thể Delta sẽ là yếu tố chính làm thay đổi bức tranh ngành dầu mỏ từ nay đến cuối năm, nhất là khi mùa lái xe ở Mỹ sắp kết thúc”, Stephen Innes, nhà quản lý của SPI Asset Management cho biết.
Việc sắp kết thúc mùa nhu cầu xăng cao điểm ở Mỹ và kết thúc kỳ nghỉ hè ở Mỹ và châu Âu sẽ càng làm cho nhu cầu xăng dầu yếu đi.
John Kilduff, cộng sự của Again Capital LLP ở New York, cho rằng: “Thật khó để có thể tìm thấy động lực hỗ trợ cho thị trường trong bối cảnh nhiều yếu tố bất trắc như hiện nay”. Theo ông Kilduff: “Họ (các nước) đang hành động nghiêm khắc đối với những đợt dịch bệnh bùng phát và đây là mối đe dọa trực tiếp đối với nhu cầu dầu”.
Việc các nhà đầu tư lo lắng lảng tránh những tài sản rủi ro cao trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái xem xét giảm kích thích tài chính trong năm nay đẩy USD lên mức cao nhất hơn 9 tháng càng gây áp lực lên thị trường dầu mỏ. Giá dầu thường di chuyển ngược chiều so với USD, khi USD tăng làm cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua ở nước ngoài.
"Sự lan rộng của biến thể Delta trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn yếu và triển vọng chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn đang tạo ra những gợn sóng ngắn hạn trên thị trường hàng hóa", các nhà phân tích hàng hóa của ANZ cho biết, và thêm rằng: "Những hạn chế ngày càng tăng đối với hoạt động đi lại đang làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu mỏ."
Margaret Yang, chiến lược gia của DailyFX - trụ sở tại Singapore - cho biết: “Những đợt phong tỏa mới nhất ở các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể gây tổn hại đến các hoạt động kinh tế và triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới”.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã áp đặt các hạn chế mới với chính sách “không khoan nhượng" với Covid-19 đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các phương pháp khử trùng nghiêm ngặt hơn tại các cảng biển của nước này đã gây ra tình trạng tắc nghẽn. New Zealand và Australia đã tăng cường giãn cách xã hội khi số ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng gia tăng. “Nhật Bản đã mở rộng phạm vi phong tỏa, trong khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở nhiều nước như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, những nước có ngành công nghiệp cần dầu mỏ, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta", chiến lược gia Margaret Yang của DailyFX cho biết.
Trong khi đó, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Australia, đã áp đặt các hạn chế đi lại, khiến nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu đảo chiều đi xuống sau một giai đoạn cải thiện đáng kể trong gần suốt mùa hè.
Một số công ty Mỹ đã trì hoãn kế hoạch cho nhân viên trở lại văn phòng làm việc. Apple Inc, công ty lớn nhất Hoa Kỳ tính theo giá trị thị trường, trì hoãn việc đưa công nhân trở lại cho tới đầu năm 2022, thông tin từ Bloomberg cho biết. 
Trong khi đó, nguồn cung dầu vẫn đang tăng đều đặn. Công ty dịch vụ Baker Hughes cho biết sản lượng của Mỹ đã tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào 14/8, và các công ty khoan đã bổ sung thêm giàn khoan ba tuần liên tiếp.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh cũng đang tăng cường cường nguồn cung ra thị trường – lượng dầu mà nhóm này đã giữ lại trong trong giai đoạn đại dịch bùng phát trước đây.
Giá dầu ở các hợp đồng tương lai cho thấy thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ dồi dào hơn nữa trong những tháng tới. Mức cộng giá dầu Brent kỳ hạn giao sau 1 tháng so với giao sau 3 tháng đã giảm gần một nửa từ cuối tháng 7 đến nay, cho thấy nguồn cung ngắn hạn sẽ không eo hẹp như thị trường dự đoán.
Nếu Covid-19 hoạt động giống như các bệnh đường hô hấp khác, dịch này sẽ lây lan nhanh hơn vào mùa thu và mùa đông ở Bắc bán cầu, khi học sinh, sinh viên trở lại trường học, các hoạt động khác cũng sẽ tăng lên, mọi người sẽ di chuyển ngoài đường nhiều hơn là ở nhà.
Do các chiến dịch tiêm chủng chưa hoàn tất và việc kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh còn hạn chế, hầu hết các chính phủ khó có thể gỡ bỏ các hạn chế đi lại còn lại trong vài tháng tới. Thậm chí hoạt động hàng không chở khách đường dài có thể sẽ bị lùi lại với năm 2022. Cho đến khi các chính phủ đủ tự tin để mở lại các đường bay quốc tế một cách rộng rãi thì thị trường dầu mỏ sẽ còn tiếp tục chịu áp lực.
 

Nguồn: VITIC / Reuters