CBOT: Dầu đậu tương tiếp tục tăng mạnh sau khi phá vỡ kháng cự 29.50

Thị trường giao dịch khá chậm và ảm đạm trong phiên giao dịch cuối tuần, khi các nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng trước 2 ngày nghỉ sắp tới nên xu hướng cũng không có gì quá đặc biệt. Các thông tin cơ bản không nhiều và chủ yếu ra vào cuối phiên nên cũng không có tác động đến giá. Dầu đậu tương vẫn là điểm sáng trên thị trường, trong khi các mặt hàng khác đều có biến động nhỏ hơn 1%.

Đậu tương đóng cửa với mức tăng 5 cents với lực mua khá tốt trước khi đóng cửa. Tuy nhiên, lực mua này không đủ khiến đậu tương đóng cửa ở trên mức kháng cự tâm lý 900 quan trọng, vì thế cũng không có tín hiệu mua kỹ thuật vào đầu tuần sau. Thông tin bán 126,000 tấn đậu tương cho nước giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales của USDA, cùng với lo ngại về tình trạng hạn hán tại các vùng trồng đậu tương lớn của Mỹ vẫn đang là thông tin hỗ trợ giá trong ngắn hạn.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595015385-8181.png

Dầu đậu tương đóng cửa tăng hơn 2%, là mức tăng mạnh nhất trên sàn CBOT trong ngày hôm qua. Sau khi vượt kháng cự 29.50, dầu đậu tương đã tăng rất tốt và đã confirm các tín hiệu “bullish” trước đó trên biểu đồ kĩ thuật. Giá dầu cọ Malaysia tăng mạnh trong ngày hôm qua, lên mức cao nhất 6 tháng, là thông tin hỗ trợ giá dầu đậu tương trên sàn CBOT trong phiên tối. Giá hạt cải dầu trên thị trường Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm sau khi các báo cáo thị trường cho biết các tàu chở hạt cải dầu không biến đổi gen đang bị từ chối nhập khẩu vào các cảng biển của nước này. Các chuyên gia tại Bursa, Malaysia nhận định thị trường dầu thực vật đang ở trong xu hướng tăng do nguồn cung dầu đậu tương thấp tại Brazil; thời tiết không thuận lợi tại Indonesia và Malaysia; tồn kho dầu cọ ở mức thấp; và hiện đã hết hàng dầu hướng dương có sẵn. Các yếu tố này kết hợp đang là lực đẩy hỗ trợ thị trường đi lên.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595015385-4674.png

Khô đậu tương là mặt hàng duy nhất trong cửa trong sắc đỏ, đơn giản là do giá trái chiều với dầu đậu tương trong ngắn hạn. Đúng như các nhận định trước đó của Giaodich24, khi đậu tương tăng mạnh, giá khô đậu tương và dầu đậu tương sẽ tăng theo và chỉ khác nhau ở biên độ. Tuy nhiên, khi đậu tương tăng nhẹ hoặc ít thay đổi, giá 2 mặt hàng này sẽ trái chiều nhau và kịch bản này đã diễn ra từ đầu năm 2020 tới nay.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595015385-6276.png

Ngô đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm qua, chủ yếu do tâm lý lo ngại về tình trạng hạn hán đang lan rộng ra và nghiêm trọng hơn tại Midwest, Mỹ. Ngô đã vào giữa giai đoạn phát triển nên không còn quá nhạy cảm về thời tiết. Tuy nhiên, hạn hán là điều nông dân Mỹ không hề muốn xảy ra và nếu tiếp tục kéo dài thêm vài tuần nữa, có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng mùa vụ trong báo cáo Crop Progress, qua đó khiến USDA giảm năng suất và sản lượng ngô trong các báo cáo tiếp theo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tồn kho cuối vụ trong báo cáo WASDE tháng 8, sau khi USDA vừa giảm rất mạnh tồn kho trong báo cáo tháng 7 vừa qua. Đây vẫn sẽ là thông tin “bullish” chính, nhưng cần phải được xác nhận bởi các số liệu trong báo cáo, nếu không, ngô cũng sẽ khó có thể tăng mạnh.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595015385-788.png

Lúa mỳ đóng cửa không thay đổi sau 1 phiên giao dịch giằng co. Đúng như dự đoán của Giaodich24, thị trường giao dịch rất bình yên trong phiên cuối tuần này, sau chuỗi ngày biến động mạnh trước đó. Kháng cự 550 đã khiến giá đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ năm, nên việc thị trường nghiêng nhiều hơn về bên bán trong ngày hôm qua cũng không có gì bất ngờ. Tại Pháp, tiến độ thu hoạch lúa mỳ đang khá nhanh, nhưng chất lượng vẫn ở mức thấp nhất từ đầu niên vụ tới nay. Nhìn chung, lo ngại về sản lượng châu Âu và biển Đen đang khá rõ ràng, trong khi đối trọng lại là mức tăng sản lượng ở Ấn Độ và Úc. Sự đối lập này sẽ tiếp tục tạo ra nhiều biến động khó lường đối với lúa mỳ trong thời gian tới.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595015385-828.png

Giaodich24