Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, được dự đoán sẽ tái khẳng định kế hoạch tăng nhẹ sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày được đưa ra hồi tháng Bảy trong cuộc họp ngày 4/11, bất chấp áp lực từ nhiều phía hồi thúc OPEC+ gia tăng nguồn cung nhiều hơn nữa trước sự tăng mạnh của giá dầu.

Trong bối cảnh giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng lên khoảng 85 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại Rome (Italy), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi OPEC nâng sản lượng hơn nữa.
Bên cạnh đó, các nước tiêu thụ nhiều dầu khác, như Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đã hối thúc các nước sản xuất dầu gia tăng nguồn cung để bình ổn giá.
Chuyên gia Helima Croft của ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, có trụ sở tại Toronto (Canada), cho biết bà không loại trừ khả năng Saudi Arabia có thể đồng ý với việc tăng sản lượng nhiều hơn 400.000 thùng/ngày, trước mức độ áp lực từ Nhà Trắng và các nước tiêu thụ dầu lớn khác như Ấn Độ.

Tuần trước, Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo đã một lần nữa nhấn mạnh "sự cần thiết phải thận trọng và chú ý đến tình hình thị trường không ngừng biến động."

Dù giá cao hơn sẽ có lợi cho các nước sản xuất dầu vì doanh thu gia tăng, đặc biệt sau thời kỳ trì trệ do đại dịch COVID-19, nhưng vẫn có những lo ngại rằng giá cao có thể kìm hãm đà phục hồi còn yếu của kinh tế thế giới và từ đó làm giảm nhu cầu dầu.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây còn có những câu hỏi đặt ra đối với khả năng tăng mạnh sản lượng của OPEC+. Trái ngược với xu hướng trước đây, khi các nước OPEC thường vượt quá hạn ngạch sản lượng của mình, trong vài tháng trở lại đây, phần lớn các nước thành viên của tổ chức này đã tuân thủ đúng hạn ngạch, thậm chí trong nhiều trường hợp còn chưa đạt đến hạn ngạch.
Điều này cho thấy có khả năng OPEC không thể gia tăng sản lượng một cách nhanh chóng trong ngắn hạn, dù về mặt lý thuyết, khối này hiện đang có lượng dầu dự trữ hơn 4 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, một bất ổn khác đối với thị trường dầu là việc Iran, một thành viên của OPEC, vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran kỳ vọng các lệnh này sẽ được dỡ bỏ thông qua các cuộc đàm phán ở Vienna về chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này đã gặp bế tắc kể từ tháng Sáu và phải đến cuối tháng này mới được nối lại./.

Nguồn: Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)