Kết thúc tuần trước, giá cao su chứng kiến biến động trái chiều trên các sàn giao dịch hàng hóa thế giới. Cụ thể, giá cao su RSS3 giao tháng 8 trên sàn TOCOM tăng mạnh 4.58% lên mức 150.8 JPY/kg. Giá cao su tham chiếu RSS3 giao tháng 9 trên sàn SHFE tăng 0.43% lên mức 10,615 NDT/tấn, trong khi giá cao su TSR20 giao tháng 8 trên sàn SGX giảm 0.59% xuống mức 117.0US cents/kg.

Kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân trước tiên hỗ trợ giá cao su. Cụ thể, tăng trưởng quý II/2020 tại Hoa lục đạt 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng trưởng dự báo 2.5% theo khảo sát của Reuters, khiến thị trường kỳ vọng doanh số bán lẻ xe hơi sẽ tăng trong thời gian tới. Trước đó, cú sốc Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế quý I tại Hoa lục âm 6.8%.  

Thêm nữa, nhu cầu sử dụng găng tay cao su vẫn đang tăng nhanh trên toàn cầu. Hãng sản xuất găng tay cao su lớn nhất của Malaysia, Top Glove, đang đầu tư thêm 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu găng tay y tế đang tăng mạnh. Theo ông Lim Wee Chai, CEO của Top Glove, doanh thu của hãng tính đến hết tháng 5 đã tăng gấp 3 lần, đạt 90 triệu USD, trong khi giá cổ phiếu của hãng tăng gấp 4 lần tính từ đầu năm nay. Ông Lim tự tin rằng, đây vẫn chưa phải là kết quả kinh doanh tốt nhất của hãng, do nhu cầu vẫn đang rất lớn. 

Tuy nhiên, tuần trước, Cơ quan Bảo vệ biên giới và hoạt động biên mậu Hoa Kỳ (CBP) đã áp lệnh cấm nhập khẩu găng tay cao su từ Top Glove, do có cáo buộc các nhà máy sản xuất của hãng này sử dụng lao động cưỡng bức để đáp ứng nhu cầu găng tay y tế ngày càng tăng. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Top Glove đã dùng các biện pháp thúc nợ, lao động quá giờ, thu giữ giấy tờ tuỳ thân và điều kiện lao động thấp. Dù vậy, ông Lim Wee Chai vẫn tự tin rằng Top Glove sẽ nhanh chóng tìm được các đơn đặt hàng mới, ví dụ từ Brazil và Trung Quốc. Hiện Top Glove đang có 45 nhà máy sản xuất trên khắp Malaysia và chiếm thị phần hơn 1/5 ngành cao su toàn cầu.

Giaodich24