Chỉ trong vài tuần, sự lây lan của virus corona đã trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu với hơn 180 quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 13/4, trên thế giới có hơn 1,8 triệu ca dương tính với virus và hơn 114.000 người tử vong.

Đại dịch COVID-19 tác động đáng kể đến các nền kinh tế trên toàn thế giới, tạo ra cú sốc cung - cầu ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại quốc tế và chuỗi sản xuất. Mặc dù chính phủ các nước đang thực hiện các chính sách để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, không thể phủ nhận một cuộc suy thoái toàn cầu đang diễn ra. 

Sự lây lan của COVID-19 đưa ra thách thức đáng kể cho ngành cà phê toàn cầu, vốn đã trải qua thời gian khó khăn với giá thấp kỉ lục. Mặc dù tăng trưởng toàn ngành ổn định, giá cà phê có xu hướng giảm liên tục kể từ năm 2016, giảm 30% xuống dưới mức trung bình trong 10 năm qua. 

Nhiều người trong số 25 triệu nông dân trồng cà phê trên toàn thế giới, phần lớn là các hộ sản xuất nhỏ, phải đấu tranh để trang trải chi phí sản xuất khi giá đầu vào tiếp tục tăng. Do đó, thu nhập nông nghiệp giảm và sinh kế của người dân không được bảo đảm. 

 

Thiếu đầu tư vào việc hiện đại hóa các trang trại và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu có nguy cơ nghiêm trọng đối với sự bền vững của ngành và nguồn cung cà phê trong tương lai.

Trong ngắn hạn, tiêu thụ ngoài hộ gia đình đang giảm đáng kể do ngày càng nhiều quốc gia áp dụng biện pháp phỏng tỏa toàn bộ hoặc một phần. Văn phòng, quán cà phê và nhà hàng phải đóng cửa để giảm sự lây lan của virus.

Mặt khác, dữ liệu thống kê từ hệ thống bán lẻ và siêu thị cho thấy việc mua và dự trữ ồ ạt đã dẫn đến nhu cầu tiêu dùng gia tăng ở một số quốc gia. Tuy nhiên, điều này không có tác động bền vững đến toàn ngành. Sau khi tăng đột biến, nhu cầu sẽ giảm dần trong những tuần và tháng tới.

Suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tác động đáng kể đối với nhu cầu cà phê. Thu nhập hộ gia đình giảm có thể khiến nhu cầu cà phê thấp hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng nhạy cảm về giá có thể thay thế cà phê có giá trị cao bằng các loại có giá trị thấp hơn.

ICO đã tiến hành phân tích định lượng nhằm xác định mối liên quan giữa tăng trưởng GDP và tiêu thụ cà phê (tính theo khối lượng), từ đó đưa ra ước tính về cú sốc phía cầu do đại dịch COVID-19.

Bộ dữ liệu gồm các quan sát về mức tiêu thụ hàng năm cũng như các chỉ số kinh tế và nhân khẩu học của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới trên 20 quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất, chiếm 71% nhu cầu toàn cầu. 

 
ICO: Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành cà phê toàn cầu - Ảnh 1.

Nguồn: ICO

 

Kết quả của nghiên cứu cho thấy nếu tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 1% sẽ khiến tiêu thụ cà phê giảm 0,95%, tương đương 1,6 triệu bao (60 kg). 

Từ đó có thể thấy ngay cả sự sụt giảm khiêm tốn trong tăng trưởng GDP do đại dịch COVID-19 có thể có tác động đáng kể đến nhu cầu cà phê toàn cầu. Do đó, mức tiêu thụ cà phê có thể chậm lại, thậm chí giảm so với những năm trước khi nhu cầu cà phê tăng đều đặn 2 - 3% mỗi năm.

Nghiên cứu trên chỉ tập trung vào các tác động tới nhu cầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng ảnh hưởng đến phía cung. Khi virus tiếp tục lây lan ở các nước trồng cà phê, chuỗi sản xuất và cung ứng cà phê có khả năng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Do đó, điều quan trọng là cần mở rộng phân tích ở cả khía cạnh nguồn cung để nắm được tác động toàn diện hơn trên thị trường, bao gồm cả giá cà phê trong nước và quốc tế. 

Chỉ khi hiểu rõ các tác động cụ thể của đại dịch đối với người trồng cà phê, thương nhân, nhà máy rang xay và người tiêu dùng, các biện pháp khắc phục và hỗ trợ mới được áp dụng hiệu quả để vượt qua cuộc khủng hoảng và đảm bảo tính bền vững lâu dài của ngành cà phê toàn cầu.

Theo Kinh tế tiêu dùng