Nhưng nay thế giới đang bước vào một chu kỳ thiếu hụt nguồn nhiên liệu mới và lần này, theo tờ Economist, tình trạng thiếu hụt xăng, dầu, khí đốt sẽ kéo dài làm giá nhiên liệu sẽ duy trì ở mức cao chưa biết lúc nào mới hạ nhiệt.

Mới nhìn qua, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do thiếu nguồn cung. Ở Anh các trạm xăng cạn kiệt mặc dù các bồn chứa vẫn đầy là do thiếu tài xế xe tải chuyên chở xăng dầu tới các trạm xăng. Trung Quốc thiếu điện vừa do thiếu than nhưng cũng vừa do chính phủ nước này muốn cắt giảm các nguồn khí thải gây hại cho môi trường. Các nhà máy điện chạy than ở Ấn Độ thiếu than vì giá nhập tăng vọt…

Thế nhưng nguyên nhân sâu xa hơn làm cho tình trạng thiếu hụt nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ngày càng trầm trọng trong những năm tới là do tình trạng cắt giảm đầu tư khai thác mỏ dầu, mỏ khí và mỏ than.

Có hai lý do đằng sau sự sụt giảm đầu tư này: trước tiên đó là hệ quả của những năm cung vượt cầu làm giá giảm, đầu tư không đem lại lợi nhuận nên ai nấy đều cắt giảm đầu tư; thứ nữa là áp lực từ công luận buộc các doanh nghiệp dầu khí chuyển hướng đầu tư để tránh xa các dự án gây ô nhiễm. Đầu tư giảm dẫn đến sản lượng giảm và giá tăng. Giá dầu vượt ngưỡng 81 đô la Mỹ/thùng sau khi tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC không đồng ý nâng sản lượng vào cuộc họp đầu tháng 10 này.

Khai thác dầu mỏ có đặc điểm cần duy trì đầu tư liên tục mới duy trì được sản lượng. Người ta thường bảo các công ty dầu mỏ hàng năm cần phân bổ đến bốn phần năm chi phí vốn chỉ để nguồn dầu dự trữ không bị sụt giảm. Thế mà chi phí vốn hàng năm của toàn ngành đã giảm từ 750 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014 lúc giá dầu trên 100 đô la Mỹ/thùng xuống còn ước chừng 350 tỉ đô la Mỹ năm nay.

Tình trạng thiếu hụt dầu thô năm ngoái tạm thời không xảy ra là do đại dịch Covid-19 làm nhu cầu giảm mạnh nhưng nay khi kinh tế thế giới phục hồi chỉ là vấn đề thời gian trước khi tác động của việc thiếu nhiên liệu lan khắp.

Trước đây khi cung giảm, giá tăng, các hãng dầu sẽ gia tăng đầu tư khoan giếng mới để bù vào chỗ thiếu hụt nhưng nay trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu, rất khó thông qua các khoản đầu tư như thế. Các hãng dầu lớn như ExxonMobil hay Royal Dutch Shell chịu áp lực của cổ đông phải cắt giảm đầu tư khoan giếng mới bởi cả hai lý do.

Họ nghĩ chưa chắc nhu cầu dầu thô sẽ bền vững khi các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến đồng thời họ không muốn gắn tên tuổi với các hãng dầu khí được cho là thủ phạm chính của tình trạng phát thải khí gây hại. Tờ Economist tổng hợp các dự báo mức đầu tư vốn của 250 nhà sản xuất nguyên nhiên liệu lớn nhất thế giới vào năm 2022 so với 2019. Trong khi các hãng khai mỏ và sản xuất nông nghiệp sẽ gia tăng mức đầu tư, các hãng dầu khí sẽ cắt giảm đầu tư thêm 9% nữa.

Một yếu tố khác kìm hãm mức đầu tư tìm nguồn dầu khí mới là thái độ của các nước OPEC. Những năm giá dầu giảm cộng với sự sụp đổ giá dầu vào đầu đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến ngân sách của những nước này.

Nay giá dầu bắt đầu phục hồi và trên đà tăng thêm, ắt hẳn các nước sẽ muốn duy trì tình trạng này để kiếm thêm tiền cho ngân sách chứ không ai vội vàng đầu tư nâng sản lượng. Mặt khác đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua; chưa ai biết nhu cầu trong thời gian tới là như thế nào. Dù sao ngay cả khi cầu tăng mạnh kích thích đầu tư thì cũng mất vài ba năm mới biến các khoản đầu tư này thành nguồn dầu đưa vào sử dụng.

Đầu tư khai thác dầu thô giảm làm sản lượng khí đốt giảm theo vì khí tự nhiên thường là sản phẩm phụ của các mỏ dầu mới. Đầu tư khai thác than chịu mức sụt giảm cao nhất bởi ngay ở Ấn Độ và Trung Quốc nơi có nhiều nhà máy điện chạy than nhất, người ta cũng đã bắt đầu muốn tránh xa nguồn nhiên liệu gây hại cho môi trường này.

Giá nhiên liệu tăng là điều đã rõ – chỉ chưa biết lần này sự thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu hóa thạch có thúc đẩy nhanh thêm quá trình chuyển sang các loại năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trước mắt người tiêu dùng e phải thắt lưng buộc bụng cho một giai đoạn xăng dầu tăng giá.

Link gốc tại đây.

Theo báo TheSaigontimes