Trong thời gian gần đây, xu hướng tăng của giá Cà phê thế giới đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, giá cả 2 mặt hàng Cà phê chính là Robusta và Arabica đã tăng hơn 30%. Trong vòng 10 ngày qua, giá cà phê Arabica đã tăng tổng cộng 16% lên mức 3880 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng tăng thêm 4,2% lên mức 1779 USD/tấn. Hiện nay giá Arabica đang ở mức cao nhất trong hơn 5 năm, còn giá Robusta đang ở mức đỉnh từ tháng 7 năm 2018 tới nay.
Giá Cà phê Arabica tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung
Nếu so với các loại hàng hóa khác thì mức tăng 30% của cà phê chỉ thấp hơn dầu thô (40%), trong khi cao hơn đáng kể so với các mặt hàng nông sản như ngô (20%), lúa mỳ (10%). Mức tăng lớn này chủ yếu do lo ngại về mức sản lượng thấp của Brazil, nước xuất khẩu Cà phê số 1 thế giới.
Theo các dự báo thời tiết mới nhất, bang Minas Gerais – vùng trồng Cà phê trọng điểm của Brazil sẽ hứng chịu những đợt băng giá trên diện rộng và cũng là nguyên nhân chính khiến giá tăng mạnh trong hai phiên 20/07 và 21/07 vừa qua. Cà phê là loại cây rất nhạy cảm với thời tiết lạnh, và theo các chuyên gia nông nghiệp, chỉ cần băng giá kéo dài hơn 2 giờ, sản lượng thu hoạch sau này sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.
Từ đầu năm nay, giới phân tích đã lường trước mức sản lượng thấp của Cà phê Brazil do mùa vụ chịu tác động kép bởi chu kỳ 2 năm của cây Cà phê. Chu kỳ này sẽ cho 1 năm sản lượng cao và sau đó là 1 năm sản lượng thấp. Theo Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng Cà phê của Brazil trong năm nay sẽ sụt giảm gần 25% xuống mức 3,37 triệu tấn.
Giãn cách xã hội tại Việt Nam, giá Cà phê Robusta đi lên
Không giống Cà phê Arabica, giá Robusta gần đây chịu nhiều ảnh hưởng bởi các thông tin đến từ Việt Nam, nước xuất khẩu Robusta số 1 thế giới.
Kể từ sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khắp các tỉnh phía Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các thương nhân trong và ngoài nước đang hết sức lo lắng nguồn cung Cà phê sẽ bị gián đoạn. Việc vận tải khó khăn hơn, cộng thêm các thủ tục xét nghiệm tại cảng biển, sẽ khiến thời gian cung ứng sang các thị trường nhập khẩu lớn bị chậm trễ.
Ngoài ra, giá cước tàu biển sang các nước châu Âu hiện đã tăng từ 5 – 6 lần so với cùng kỳ năm 2020, do tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu. Trước đây, điều kiện giao hàng FOB chiếm khoảng 90% tổng khối lượng Cà phê xuất khẩu của Việt Nam nhưng nay con số này giảm xuống còn khoảng 80%. Thay vào đó, nhiều đối tác yêu cầu ký kết các đơn hàng theo điều kiện giao hàng CPT và DAP, với điểm chung là bên bán phải chịu toàn bộ cước phí vận chuyển và bảo hiểm. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu bởi nếu chấp nhận bán theo hình thức này phải chịu thêm giá cước vận chuyển cao ngất ngưởng.
Hàng không xuất được bị tồn đọng lại các cảng xuất với các điều kiện bảo quản thô sơ khiến ảnh hưởng đến chất lượng. Trong khi tồn kho Cà phê Robusta đạt chuẩn trên Sở ICE London liên tục suy giảm trong suốt tháng 06 khiến giá Cà phê bị đẩy lên cao đối với các kỳ hạn tháng gần, vượt xa các hợp đồng kỳ hạn tháng xa (điều rất hiếm xảy ra đối với giao dịch hàng hóa kỳ hạn).
Ngành xuất khẩu Cà phê của Việt Nam được hưởng lợi?
Tại Việt Nam, giá bán hàng của nông dân Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của giá Robusta trên sở ICE London. Giá Cà phê nhân xô đang chào bán ở quanh mức 35.700 – 36.600 đồng/kg. Xuất khẩu Cà phê vẫn là ngành trọng tâm của khu vực Tây Nguyên, mang về kim ngạch 2,74 tỷ USD trong năm 2020.
Tính từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/07, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu Cà phê của Việt Nam đã đạt 900.235 tấn, với kim ngạch 1,65 tỉ USD. Con số này giảm 9% về khối lượng và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy mặc dù giá thế giới tăng, nhưng xuất khẩu Cà phê của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường Cà phê về cơ bản sẽ được hưởng lợi nhờ vào sự sụt giảm nguồn cung trên toàn cầu. Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước không còn rõ ràng như trước đây, khi rất nhiều nhà nhập khẩu và các công ty kinh doanh Cà phê rang, xay đã có kinh nghiệm ứng phó với việc sụt giảm nguồn cung bằng cách gia tăng dự trữ. Xét về nhu cầu, biến chủng Delta đang khiến đại dịch Covid-19 trở nên phức tạp hơn tại các nước đang phát triển, và cũng là đối tượng sử dụng nhiều Cà phê nhất trên thế giới.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu Cà phê của Việt Nam trong phần còn lại của năm 2021 và ngành Cà phê trong nước chưa chắc đã được hưởng lợi nhiều dù giá thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới. 

Nguồn: Bảo Trung - Thuỷ Tiên (Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam)/Nhịp sống kinh tế