CBOT: Nhóm đậu tương tiếp tục tăng trái chiều với mức giảm của lúa mỳ

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT giao dịch tương đối ảm đạm trong phiên đầu tuần này. Sự hứng khởi chỉ diễn ra vào thời điểm cuối phiên sáng, sau khi các thị trường châu Âu mở cửa. Còn đến phiên tối, hay còn gọi là phiên Mỹ, thị trường chủ yếu đi ngang với các khoảng giao dịch hẹp. Điều này cho thấy tâm lý rất thận trọng của giới đầu tư khi đánh giá tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với giá nông sản.

Sáng nay, báo cáo Crop Progress của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ có thể được đánh giá là tiêu cực với lúa mỳ, khi chất lượng tốt – tuyệt vời của lúa mỳ vụ đông tiếp tục tăng 2% nhờ thời tiết thuận lợi tại các bang vùng Tây Bắc trong tuần vừa rồi. Trong khi đó, tiến độ thu hoạch ngô và đậu tương diễn ra bình thường và đã gần kết thúc, nên sẽ không có tác động đáng để đến phiên hôm nay.

Đậu tương tiếp tục tăng trong ngày hôm qua, sau khi bật lên từ vùng hỗ trợ 1100 trên biểu đồ tháng 1. Giá đậu tương đang duy trì ở mức cao nhất 4 năm và có thể sẽ khó giảm dưới 1100 trong thời gian tới. Trong ngày hôm qua, xu hướng tăng chủ yếu đến trong phiên sáng, sau thông tin về vắc-xin Covid-19. Thời gian còn lại, giá chủ yếu giao dịch lình xình và không có nhiều biến động đáng chú ý, bất chấp việc USDA có đơn hàng 123,000 tấn đậu tương cho một nước giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales. Các chuyên gia kinh tế đang nhận định rằng dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ sẽ vẫn duy trì các mức thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc và cách tiếp cận vấn đề chiến tranh thương mại sẽ tương tự với Tổng thống D.Trump. Đây có thể sẽ là thông tin hạn chế đà tăng của đậu tương, bên cạnh các tin tốt về thời tiết tại Nam Mỹ trong ngắn hạn.

Khô đậu tương và dầu đậu tương cũng đóng cửa với các mức tăng cùng biên độ với đậu tương. Đáng chú ý trong ngày hôm qua là việc giá dầu cọ trên sàn Bursa Malaysia đóng cửa tăng 1.5% lên mức cao nhất 8 năm, do lo ngại về nguồn cung dầu cọ tại Malaysia. Thông tin này cũng hỗ trợ thị trường dầu thực vật đi lên trong phiên tối. Bên cạnh đấy, một liên đoàn lao động tại Argentina đại diện cho các công nhân làm việc tại các cảng biển đã bất ngờ tổ chức một cuộc đình công để phản đối việc đàm phán tiền lương bị đình trệ. Các giải pháp đối thoại của chính phủ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của nước này, và sẽ là thông tin có thể tác động “bullish” đến cả dầu đậu tương và khô đậu tương trong hôm nay

Ngô tháng 12 đóng cửa hầu như không thay đổi và có diễn biến giao dịch rất lình xình. Tuy nhiên, giá ngô tỏ ra khá vững vàng khi ở trên vùng hỗ trợ tâm lý 400 nên Giaodich24 chưa nhận thấy khả năng ngô có thể giảm mạnh trong vài phiên tới. Thị trường sẽ rất chờ đợi các chính sách nông nghiệp và cả năng lượng mới của Mỹ, và có thể sẽ có tác động rất lớn tới ngô, thông qua lượng sử dụng để sản xuất ethanol. Còn về mùa vụ, những cơn mưa tốt hơn ở cả Brazil và Argentina đang là các thông tin khiến ngô khó có thể tăng mạnh.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất giảm trong ngày hôm qua. Đây là diễn biến đi ngược lại các thông tin cơ bản trong phiên sáng, với các hợp đồng mua hàng rất lớn từ Ả rập Saudi và Ethiopia, cùng các thông tin giá lúa mỳ xuất khẩu tăng ở Nga và Ukraina. Nhưng đến phiên tối, mức giảm này đã được lý giải sau khi EU đưa lúa mỳ vào danh sách các mặt hàng của Mỹ sẽ bị đánh thuế 25%. Mặc dù EU là khu vực xuất siêu lúa mỳ, nhưng hàng năm, các nước trong khối vẫn nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn lúa mỳ Mỹ. Việc áp thuế nhập khẩu 25% sẽ đóng sập cánh của xuất khẩu của lúa mỳ Mỹ tại thị trường này và việc lúa mỳ giảm cũng không có gì bất ngờ sau thông tin kể trên.