CBOT: Giá ngô và lúa mỳ đồng loạt vượt qua mức kháng cự tâm lý quan trọng

Hầu hết các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đều tăng trong phiên hôm qua, ngoại trừ mức giảm khá mạnh của giá đầu đậu tương.

Thị trường nhìn chung đều giảm hoặc đi ngang trong suốt phiên sáng, tuy nhiên các số liệu tích cực từ báo cáo đã giúp cho giá tăng vọt trở lại trong suốt phiên tối. Các quỹ đầu cơ cũng hoạt động tích cực trở lại trong cả ngày hôm qua, đặc biệt là với hợp đồng ngô và lúa mỳ.

Đậu tương là mặt hàng tăng nhẹ nhất khi kết thúc phiên, với mức tăng chỉ 5.5 cents, nhưng đã là phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Lực bán duy trì áp đảo trong suốt phiên sáng qua chủ yếu do nông dân Mỹ tranh thủ bán hàng khi giá đang ở trên mức 1050, cộng thêm tâm lý chốt lời của nhà đầu tư sau khi giá đã tăng khá đang kể trong 2 ngày trước đó. Tuy nhiên, đơn hàng 261,000 tấn đậu tương Mỹ tiếp tục có tác động mạnh đến giá đậu tương trong phiên hôm qua, giúp cho giá đậu tương tăng vọt trở lại ngay khỉ mở cửa phiên tối và duy trì lực mua đến hết phiên. Chừng nào mà thời tiết còn chưa được cải thiện tại miền trung Brazil thì Trung Quốc sẽ còn cần đẩy mạnh việc tìm mua đậu tương Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung trong đầu năm tới.

Dầu đậu tương và khô đậu tương thay đổi rất mạnh về 2 hướng trái ngược nhau. Giá dầu cọ giảm mạnh hơn 2% sau thời gian dài tăng trước đó do tâm lý chốt lời cộng thêm lo ngại về đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ở châu Âu, khiến một loạt các nhà hàng phải đóng cửa và làm cho tiêu thụ dầu thực vật giảm xuống. Trong khi đó, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 15 ngày đầu 10 đang thấp hơn 2.2% so với tháng trước cũng tạo áp lực lên giá dầu khiến cho mặt hàng này giảm liên tục trong cả phiên hôm qua. Giá chỉ phục hồi nhẹ vào cuối phiên rồi lình xình đi ngang nhờ số liệu tồn kho dầu đậu tương tháng 9 trong báo cáo của NOPA giảm 5.7% so với tháng 8. Việc giá dầu đậu tương giảm mạnh trong khi đậu tương hầu như ổn định đã hỗ trợ giá khô đậu tương tăng mạng, vượt qua cả mức kháng cự 370. Các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung với khô đậu tương cũng giống như đậu tương khiến cho mức tăng này khá vững vàng trong thời gian tới.

Ngô kết thúc phiên ngày hôm qua đã vượt qua mốc kháng cự tâm lý rất quan trọng 400, và đóng cửa ở mức cao nhất tính từ tháng 8 năm ngoái tới nay. Dù cho USDA không công bố có thêm đơn hàng bán ngô mới nào, nhưng kỳ vọng của thị trường vào thông tin chính phủ Trung Quốc có thể nới hạn ngạch nhập khẩu lên mức 15 – 20 triệu tấn, thay vì 7.2 triệu tấn như hiện nay, vẫn có tác động dẫn dắt mạnh đến giá ngô CBOT. Trong bối cảnh thời tiết các vùng gieo trồng tại Nam Mỹ đang khá bất lợi, thì việc giá ngô tiếp tục mạnh lên cũng đã được Giaodich24 dự đoán từ trước. Còn một yếu tố tác động không nhỏ đến mức tăng hôm qua của giá ngô đó là sản lượng Ethanol có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, lên mức 937,000 thùng/ngày. Nông dân tại Midwest trong tuần này cũng sẽ đẩy mạnh thu hoạch với đậu tương hơn là với ngô, do lo ngại về sương giá, do đó lực cản đối với ngô tại thời điểm này cũng không có nhiều và giúp cho giá ngô duy trì lực mua áp đảo trong suốt phiên tối.

Lúa mỳ bất ngờ tăng đột biến gần 4% trong ngày hôm qua. Sau khi chỉ lình xình quanh mức 600 trong suốt phiên sáng, giá lúa mỳ bất ngờ tăng đến gần 20 cents trong suốt phiên tối và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2014 đến nay trên biểu đồ tháng liền kề. Việc thiếu vắng các thông tin cơ bản đã khiến mức tăng hôm qua của giá lúa mỳ chủ yếu phụ thuộc vào các quỹ đầu cơ, khi mà giá vượt qua mức kháng cự tâm lý 600 đã kích hoạt một loạt các lệnh stoploss và lực mua kỹ thuật. Trạng thái mua ròng của các quỹ đã tăng thêm 20,000 hợp đồng lên mức hơn 50,000 hợp đồng chỉ trong ngày hôm qua. Mặc dù thời tiết vẫn đang bất lợi tại các khu vực gieo trồng và các nước nhập khẩu vẫn đang tìm mua thêm lúa mỳ, tuy nhiên mức tăng này của lúa mỳ đang có phần thiếu vững chắc. Rất có thể khi giá tăng đột biến sẽ thúc đẩy tâm lý bán hàng của nông dân ở các nước khu vực biển Đen khi mà việc thu hoạch vừa kết thúc, và khiến giá lúa mỳ chịu áp lực lớn trong phiên hôm nay.