CBOT: Giá ngô tăng kịch trần ngay sau khi báo cáo Cung – cầu tháng 1 được công bố

Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT trong phiên hôm qua, chủ yếu do tác động từ báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới tháng 1 của USDA.

Ngô đã tăng kịch trần 25 cents chỉ khoảng 10 phút sau khi báo cáo phát hành. Trong khi đó, đậu tương, khô đậu tương và lúa mỳ cũng đã gần chạm đến mức trần trước khi giảm nhẹ trở lại vào cuối phiên. Diễn biến này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tác động “bullish” kéo dài sang phiên hôm nay.

Đậu tương tăng rất mạnh hơn 3%, lên mức 1418.25 cent/giạ, cao nhất kể từ tháng 6/2014 đến nay. Chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất trong phiên lên đến gần 70 cents, gấp 3 lần mức trung bình hàng ngày trong 1 tháng trước đó. Đơn hàng 120,000 tấn đậu tương cho một nước giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales đã giúp giá đậu tương tăng khá mạnh ngay sau khi mở cửa phiên tối. Sau đó, USDA tiếp tục hạ dự báo tồn kho đậu tương cuối niên vụ 20/21 của Mỹ về mức 140 triệu giạ, ngang với mức dự đoán của thị trường và thấp hơn đến 20% so với mức 175 triệu giạ trong báo cáo tháng 12. Đây cũng đã là tháng thứ 5 liên tiếp USDA giảm mức dự báo tồn kho này và cũng là mức dự báo tồn kho thấp nhất đối với báo cáo Cung – cầu tháng 1 trong 7 năm trở lại đây là nguyên nhân chính khiến giá đậu tương tăng vọt sau khi báo cáo phát hành. Bên cạnh đấy, thời tiết khô hạn khiến cho USDA giảm dự báo sản lượng đậu tương Argentina về mức 48 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với báo cáo tháng trước cũng góp phần giúp giá duy trì lực mua áp đảo. Giá đậu tương sau đó bị cản lại ở vùng kháng cự 1425 và duy trì xu hướng đi ngang cho đến hết phiên.

Khô đậu tương và dầu đậu tương diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua bất chấp đà tăng mạnh của giá đậu tương. Tác động “bearish” từ việc dầu cọ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần trở lại đây đã tạo áp lực lớn lên giá dầu đậu tương, khiến cho mặt hàng này đã bị đẩy lại về từ mức kháng cự 43 cents trong phiên sáng. Mặc dù dầu đậu tương cũng tăng mạnh sau báo cáo giống với diễn biến của giá đậu tương, tuy nhiên lực bán kỹ thuật ở vùng giá 43 tiếp tục chặn lại đà tăng và khiến giá giảm trở lại vào cuối phiên để đóng cửa ngày không thay đổi so với phiên trước đó. Diễn biến này đã hỗ trợ giá khô đậu tương tăng vọt đến hơn 4% lên mức 465.4 USD/tấn Mỹ.

 

Ngô đóng cửa ở mức 517.25 cent/giạ sau khi giá đã tăng kịch trần 25 cents ngay sau khi báo cáo phát hành. Trong hôm nay, giới hạn giá sẽ được mở rộng lên mức 40 cents và nhiều khả năng giá ngô sẽ còn gapup đến vùng giá 525 ngay sau khi mở cửa. USDA dự báo tồn kho ngô Mỹ niên vụ 20/21 chỉ ở mức 1.55 tỉ giạ, thấp hơn cả mức dự đoán trung bình của thị trường và giảm gần 10% so với mức 1.7 tỉ giạ trong báo cáo tháng 12. Mặc dù xuất khẩu bị giảm dự báo đi 100 triệu giạ, nhưng sản lượng ngô Mỹ 20/21 thấp hơn đến 300 triệu giạ so với ước tính trước đó là nguyên nhân chính khiến cho tồn kho ngô Mỹ giảm mạnh. Tồn kho ngô thế giới trong báo cáo này cũng bị giảm dự báo về mức 283.8 triệu tấn, thấp hơn 5.2 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, cũng góp phần hỗ trợ giá ngô tăng rất mạnh sau báo cáo.

Lúa mỳ quay đầu tăng rất mạnh gần 5% theo xu hướng chung của toàn bộ nhóm nông sản, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Khoảng chênh lệch giữa mức cao và thấp nhất trong phiên cũng lên đến 36 cent, gần chạm mức trần 40 cents đối với lúa mỳ. USDA dự báo tồn kho lúa mỳ Mỹ niên vụ 20/21 chỉ ở mức 836 triệu giạ, giảm 3% so với báo cáo tháng 12 và thấp hơn cả khoảng dự đoán trước đó của thị trường đã khiến giá lúa mỳ cũng tăng vọt ngay sau khi báo cáo phát hành. Thông tin về việc chính phủ Nga có thể nâng mức thuế xuất khẩu từ mức 25 Euro/tấn lên đến 50 Euro/tấn cũng đã giúp giá lúa mỳ tăng ngay sau khi mở cửa phiên tối trước. Tuy nhiên, diện tích lúa mỳ vụ đông của Mỹ được dự đoán ở mức 32 triệu mẫu, tăng gần 9 triệu mẫu so với niên vụ trước đã khiến giá lúa mỳ giảm nhẹ vào cuối phiên.