CBOT: Giá lúa mỳ và ngô giảm mạnh sau tin đồn về hạn ngạch xuất khẩu của Nga

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu đóng cửa trái chiều nhau trong phiên hôm qua. Đáng chú ý nhất là mức tăng rất mạnh của dầu đậu tương trong khi giá ngô và lúa mỳ bất ngờ giảm sâu trong phiên tối.

Các dự đoán của thị trường về số liệu bán hàng trong tuần này sẽ chậm lại một ngày do Mỹ đang nghỉ lễ Ngày Cựu chiến binh (Veterans Day), vì thế không có nhiều thông tin tác động đến xu hướng của giá các mặt hàng. Tuy nhiên, tin đồn về hạn ngạch xuất khẩu nông sản của Nga đã tác động mạnh đến giá lúa mỳ trong phiên hôm qua.

Đậu tương tiếp tục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp và giá đã vượt lên trên mức kháng cự 1150, đây sẽ là dấu hiệu tích cực giúp giá có thể hướng đến vùng 1200 trong thời gian tới. Giá đạu tương tăng rất mạnh trong đầu phiên sáng do tác động kéo dài từ báo cáo Cung – cầu thế giới tháng 11. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sau khi giá đã tăng đến 50 cents cộng thêm việc không có thông tin nào mới hỗ trợ xu hướng khiến giá giảm mạnh trong cuối phiên sáng và đầu phiên tối. Trung Quốc tiếp tục không phát sinh đơn hàng nào trong báo cáo Daily Export Sales, khiến thị trường đang có phần bi quan về việc thực hiện Thỏa thuận giai đoạn 1 như đã cam kết của nước này. Các chính sách ngoại giao mềm mỏng của Đảng Dân chủ cũng là yếu tố hỗ trợ cho lo ngại này. Đến cuối phiên tối, giá đậu tương đã bật tăng trở lại sau khi nhận được lực mua hỗ trợ tại vùng 1150. Diễn biến này cũng không có gì bất ngờ trong bối cảnh nguồn cung đậu tương eo hẹp trên toàn cầu và giá đậu tương tại Brazil đã cao hơn đến 20% so với mức đỉnh thời hồi giữa chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Dầu đậu tương và khô đậu tương quay lại diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Giá dầu đậu tương được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh của giá dầu cọ Malaysia, sau khi MPOB xác nhận tồn kho dầu cọ tháng 10 đang ở mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Bên cạnh đấy giá dầu thô cũng đang trong xu hướng “bullish” mạnh góp phần củng cố xu hướng tăng của giá dầu đậu. Vì thế, mức tăng này của dầu dậu tạo sức ép lớn lên giá khô đậu, kết hợp với lực bán kỹ thuật tại vùng kháng cự tâm lý quan trọng 400 đã khiến giá khô đậu gần như rơi tự do trong phiên tối.

Ngô bất ngờ giảm hơn 1% trong phiên hôm qua, trái với dự đoán của nhiều chuyên gia khi mà dự báo tồn kho ngô tại Mỹ niên vụ 20/21 đã giảm rất mạnh trong báo cáo WASDE tháng 11. Giá tăng vọt trong đầu phiên sáng giống với đậu tương do ảnh hưởng tích cực từ báo cáo, và lực mua yếu dầu do gặp lực bán ở mức kháng cự 430. Đến phiên tối, lo ngại của thị trường về khả năng thực hiện cam kết của Trung Quốc gia tăng, kết hợp với mức giảm mạnh của lúa mỳ đã sinh ra tâm lý chốt lời mạnh, khiến giá đột ngột giảm sâu về dưới mức hỗ trợ 420. Giá ngô cao cũng khiến cho lực mua của các nước nhập khẩu chính giảm đáng kể, khiến cho một số nhà máy sản xuất tìm đến các nhà cung cấp nội địa. Tuy nhiên, diễn biến này có thể không kéo dài vì nguồn cung đang dần cạn kiệt cho đến đầu năm sau, sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ chủ đạo cho giá ngô trong thời gian tới.

Lúa mỳ là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản trong ngày hôm qua, sau khi mất đi ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của giá ngô và đậu tương. Giá hầu như chỉ giằng co quanh mức 610 trong suốt phiên sáng. Và khi thị trường xuất hiện tin đồn về hạn ngạch xuất khẩu nông sản của Nga giai đoạn sau của niên vụ 20/21 ở mức 15 triệu tấn, giá đã ngay lập tức giảm mạnh hơn 10 cents và đóng cửa ở dưới mức hỗ trợ tâm lý quan trọng 600. Sản lượng ngũ cốc của Nga năm nay được dự báo ở mức 127.5 triệu tấn, cao nhất kể từ 2017 đến nay, vì thế áp lực phải giới hạn xuất khẩu là không lớn. Thực tế là mức hạn ngạch trên còn bị lùi thời gian áp dụng về giữa tháng 2 cho đến hết niên vụ, và cũng tương đương với số liệu bán hàng bình thường của Nga trong khoảng thời gian đấy. Vì thế, thị trường ngay lập tức phản ứng mạnh với thông tin này theo hướng “bearish”. Thời tiết tại Mỹ cũng đang khá thuận lợi ở các vùng gieo trồng, khiến cho giá lúa mỳ sẽ khó có thể tăng mạnh trở lại trong ngắn hạn.