CBOT: Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu đồng loạt có gapup trong phiên đầu tuần

Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT trong phiên đầu tuần. Thời tiết bất lợi tại các quốc gia Nam Mỹ, nhu cầu cao đối thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn cuối năm, kết hợp với tâm lý lạc quan của thị trường khi tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ không đóng cửa nền kinh tế, giúp cho giá các mặt hàng nông sản đồng loạt gapup ngay khi vừa mở cửa phiên đầu tuần này.

Đậu tương đóng cửa tăng 0.89% lên mức 1191.50 cents/giạ. Đây là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của đậu tương, và là mức cao nhất trong vòng 4,5 năm trở lại đây. Giá đậu tương có gapup lớn khi mở cửa và có duy trì ở sát ngưỡng 1200 trong suốt phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời cùng lực bán kỹ thuật ở vùng này khiến giá giảm mạnh gần 10 cents khi mở cửa phiên tối. Trung Quốc tiếp tục không phát sinh đơn hàng nào trong báo cáo Daily Export Sales suốt từ 06/11 đến nay cùng với tiến độ gieo trồng đậu tương tại Brazil đã đạt 81%, nhanh hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng tác động “bearish” đến giá đậu tương. Giao hàng đậu tương trong tuần này chỉ đạt 2 triệu tấn, thấp hơn mức 2.2 – 2.4 mà các nhà phân tích mong đợi, khiến giá đậu tương giảm ngay sau khi báo cáo được công bố. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn giúp cho giá đậu tương không thể giảm quá sâu và tăng trở lại vào cuối phiên.

 

Khô đậu tương và dầu đậu tương kết thúc phiên với các mức thay đổi không đáng kể trong ngày hôm qua. Giá khô đậu tương kỳ hạn tháng 1 tăng 0.13% lên mức 393.0 USD/tấn Mỹ. Trong khi đó, giá dầu đậu tương giữ nguyên ở mức 38.34 cents/pound, bất chấp cả dầu cọ lẫn dầu thô đều tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của chính phủ Argentina, ép dầu đậu tương của nước này trong tháng 10 đạt 3.11 triệu tấn, giảm nhẹ so với 3.13 triệu tấn đã ép trong tháng 9 nhưng giảm rất mạnh so với mức 3.93 triệu tấn của tháng 10/2019. Nguồn cung thiếu hụt trên toàn cầu trong thời gian tới tiếp tục  sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá 2 mặt hàng này.

Ngô là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản với mức tăng 1.17% lên 433.25 cents/giạ, đối với hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3. Các yếu tố tác động đến ngô ở thời điểm này đều giống với đậu tương, khiến cho 2 mặt hàng này diễn biến tương đồng với nhau. Tuy nhiên, báo cáo Daily Export Sales cho biết, USDA đã bán 334,000 tấn ngô cho một quốc gia giấu tên trong ngày hôm qua, cùng với lực mua hỗ trợ ở vùng giá 430 giúp cho giá tăng trở lại vào cuối phiên.

Lúa mỳ kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0.83%, lên mức 604.50 cents/giạ. Pakistan đã mua thành công 340,000 tấn lúa mỳ trên tổng cộng 400,000 tấn hỏi mua cuối tuần trước thông qua đấu giá. Thông thường Pakistan là nước tự cung tự cấp, tuy nhiên mức tồn kho dự trữ năm nay dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với dự đoán, buộc nước này phải đẩy mạnh nhập khẩu lúa mỳ từ đầu tháng 11 đến nay. Tâm lý chốt lời khi giá lên đến mức kháng cự 610 cùng với dự báo về chất lượng lúa mỳ vụ đông được cải thiện khiến lực bán áp đảo trong phiên tối. Tuy nhiên trong báo cáo sáng nay, USDA bất ngờ giảm mạnh chất lượng tốt – tuyệt vời của lúa mỳ đi 3%, trái chiều với dự đoán của thị trường, sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá lúa mỳ trong phiên hôm nay.