Diễn biến giao dịch trong ngày thứ sáu khá giống so với ngày thứ năm, khi cả đậu tương, khô đậu đều giảm điểm, ngô đóng cửa rất ít thay đổi, trong khi lúa mỳ vẫn tăng điểm ngược với xu hướng chung. Tâm lý thị trường vẫn khá thận trọng trước báo cáo Grains Stocks sẽ được USDA phát hành vào 23:00 tối thứ hai tuần sau, 30/09/2019.

 

Đậu tương không thay đổi nhiều trong phiên sáng hôm qua, nhưng sau số liệu bán hàng cho Trung Quốc gây thất vọng, giá đã liên tục giảm trong phiên tối. Trong báo cáo Daily Export Sales tối qua, chỉ có thêm 126,000 tấn đậu tương được bán cho Trung Quốc, rõ ràng là ít hơn so với các tin đồn trước đó. Theo các thông tin trước đó được Bloomberg và Reuters đăng tải, Trung Quốc đã mua ít nhất 20 tàu đậu tương Mỹ, tương đương 1.2 triệu tấn, nên việc tổng bán hàng trong các báo cáo Daily Export Sales của USDA thấp hơn con số này sẽ tạo ra tâm lý “bearish” trên thị trường. Trong tối qua, khô đậu giảm ít hơn đậu tương, có thể do giá đã giảm về gần vùng đáy 292 của hợp đồng khô đậu tháng 12. Tại vùng giá này chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều lượng mua hàng thật và hỗ trợ giá khô đậu trong ngắn hạn.

 

Ngô vẫn tiếp tục giao dịch với diễn biến giằng co trong khoảng rất hẹp. Có thể phải đợi sau báo cáo Grains Stocks của USDA, giá mới biến động nhiều hơn. Tại Pháp, thu hoạch ngô đang diễn ra rất chậm, chỉ tăng thêm 2% trong tuần trước, và đang kém 18% so với cùng kỳ năm ngoái. EU Commission tiếp tục giảm dự báo sản lượng ngô của các nước châu Âu do tình hình hạn hán trong tháng 7 – 8. Nhưng các thông tin “bullish” này chỉ có tác động nhẹ lên thị trường, do có thông tin “bearish” mạnh đối trọng lại. Đó là dịch tả heo châu Phi đang có nguy cơ bùng phát ở các nước châu Á, đặc biệt là Thái Lan và Hàn Quốc. Nếu không thể kiểm soát dịch, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của 2 nước nhập khẩu lớn này sẽ bị ảnh hưởng và chắc chắn sẽ có tác động “bearish” trung – dài hạn đối với thị trường CBOT.

 

Lúa mỳ đóng cửa tăng nhẹ trong phiên hôm qua, với lực mua đều đặn trong cả phiên tối. EU Commission tiếp tục tăng dự báo sản lượng lúa mỳ châu Âu lên 145 triệu tấn, là mức tăng liên tục trong các tháng gần gây. Xuất khẩu lúa mỳ Nga chậm hơn 8% so với năm ngoái, nhưng xuất khẩu lúa mỳ Ukraina nhanh hơn 61% so với năm ngoái. Tại Pháp, gieo trồng đã bắt đầu và thời tiết có mưa nhiều hơn được đánh giá là thuận lợi đối với mùa vụ lúa mỳ. Nhìn chung lúa mỳ chưa có gì đặc biệt và sẽ phải chờ sau báo cáo Grains Stocks tuần sau để xu hướng trở nên rõ ràng hơn.