Giá các loại ngũ cốc trên sàn CBOT không có nhiều biến động trong ngày đầu tuần, cho thấy tâm lý thận trọng trước thời điểm USDA phát hành các báo cáo quan trọng vào lúc 23:00 tối nay. Báo cáo Perspective Plantings sẽ đưa ra số liệu diện tích gieo trồng mùa vụ Mỹ 2020, là báo cáo 1 năm chỉ có 1 lần, nên chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều biến động. Trong khi đó, báo cáo Grains Stocks là số liệu tồn kho quý đến hết ngày 01/03/2020, sẽ phản ánh tốc độ tiêu thụ ngũ cốc (nội địa và xuất khẩu) trong vòng 3 tháng qua tại Mỹ, qua đó sẽ giúp thị trường đánh giá các mức tồn kho cuối vụ mà USDA đưa ra hiện nay có hợp lý hay không.

Hôm qua, thông tin đáng chú ý là việc giá dầu thô WTI xuống vùng 20 USD/thùng và dầu Brent đang ở vùng gia 22 USD/thùng, là vùng giá thấp nhất trong vòng 18 năm. Chính phủ Kazakhstan sẽ sớm đưa ra các hạn ngạch xuất khẩu lúa mỳ và bột mỳ; Bộ kinh tế Nga ủng hộ Bộ nông nghiệp trong việc áp hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc ở mức 7 triệu tấn cho giai đoạn tháng 4 – tháng 6; chính phủ Argentina gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần; các đồn điền dầu cọ Malaysia bị gia hạn phong tỏa; đều là thông tin “bullish” hỗ trợ giá tăng.

Đậu tương đóng cửa rất ít thay đổi, tăng nhẹ đối với tháng gần và giảm đối với các hợp đồng tháng xa. Đậu tương khởi đầu tuần mới với các mức tăng khá tốt trong phiên sáng. Báo cáo Daily Export Sales có 285,000 tấn đậu tương 2020/21 được bán cho Mexico, nhưng không tạo ra nhiều lực mua sau đó. Báo cáo Export Inspections có số liệu giao hàng kém, kết hợp với đồng Real Brazil trượt giá, khiến đậu tương giảm điểm trở lại trong phiên tối.

Khô đậu và dầu đậu nành đều đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua với mức tăng của khô đậu nhiều hơn. Giá dầu cọ Malaysia tăng khiến giá dầu đậu nành tăng theo, không bị trái chiều với khô đậu như những phiên trước đó. Lo ngại về vấn đề logistics tại Argentina vẫn là thông tin hỗ trợ giá, bởi Argentina là quốc gia xuất khẩu khô đậu và dầu đậu nành lớn nhất thế giới.

Ngô đóng cửa giảm hơn 4 cents trong ngày hôm qua, với mức giảm đều giữa các hợp đồng tháng gần và tháng xa. Báo cáo Export Inspections với số liệu giao hàng cao nhất từ cuối tháng 4 năm ngoái không tạo ra nhiều lực mua trên thị trường. Ngô vẫn bị áp lực bởi lo ngại giảm mạnh nhu cầu sử dụng ethanol, do các lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa đang được rất nhiều quốc gia áp dụng. Các thông tin “bullish” khác như Việt Nam phải mua 55,000 tấn ngô Ukraina để đảm bảo nhu cầu nội địa ngắn hạn; hay USDA chi nhánh Nam Phi dự báo sản lượng ngô 2020/21 sẽ giảm mạnh so với niên vụ này, cũng không thể khiến giá đảo chiều tăng trở lại trong ngày hôm qua.

Lúa mỳ đóng cửa giảm nhẹ đối với hợp đồng tháng 5, nhưng tăng đối với các hợp đồng từ tháng 7 trở đi. Nguyên nhân “bullish” khá rõ ràng khi các nước ở biển Đen như Nga, Ukraina và Kazakhstan đều chuẩn bị chính thức áp các mức hạn ngạch xuất khẩu lúa mỳ và bột mỳ. Dù trên thực tế, các mức hạn ngạch này chưa có tác động cụ thể đến tiến độ xuất khẩu, vì đều đang được đặt ở các mức khá cao. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các quốc gia sẽ can thiệp sâu hơn vào xuất khẩu, để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Nếu đại dịch lan rộng và gây thiệt hại nhiều hơn, không có gì bất ngờ nếu các mức hạn ngạch này tiếp tục được thắt chặt lại trong 6 tháng cuối năm.

Giaodich24