Ngoại trừ ngô giảm nhẹ, giá các loại ngũ cốc khác trên sàn CBOT đều đóng cửa tăng điểm trong phiên đầu tuần. Các thông tin mới về Covid-19 vẫn rất đáng lo ngại khi dịch bệnh chưa thể đạt đỉnh ở châu Âu, trong khi đang bùng phát rất nhanh ở Mỹ, Anh và các khu vực khác. Tuy nhiên, các thông tin này không còn gây shock như hồi dịch bệnh mới xuất hiện ở Ý, nên không có nhiều tác động “bearish” đối với thị trường. Thậm chí, theo thời gian, khi các nước chuyển sang chế độ phong tỏa để ngăn chặn virus, các vấn đề về logistics hàng hóa sẽ trở nên khó khăn hơn, và đang là nguyên nhân khiến giá tăng điểm.

Tại các cảng biển lớn của Brazil và Argentina, hoạt động xuất khẩu tạm thời vẫn diễn ra bình thường. Nhưng với sự lây lan nhanh và đột biến của virus Covid-19, không có gì chắc chắn hoạt động tại các cảng biển lớn như Santos hay Rosario sẽ không bị gián đoạn trong thời gian tới. Việc có thể nhìn thấy trước mắt là sẽ có ít xe tải chở ngũ cốc đến cảng hơn, do lệnh hạn chế di chuyển và thiếu nhân công. Vì thế, dù ít dù nhiều, xuất khẩu hàng hóa từ Brazil và Argentina sẽ chậm lại và là nguyên nhân khiến giá tăng cao.

Đậu tương tăng 20 cents trong ngày hôm qua, đã vượt xa mức kháng cự tâm lý 850. Chỉ trong vòng 3 phiên, giá đã hồi phục được 45 cents từ vùng đáy 820, là mức tăng điểm tốt và đang có ra các tín hiệu đảo chiều trên các biểu đồ kĩ thuật. Trong báo cáo tối qua, USDA thông báo bán 110,000 tấn đậu tương cho nước giấu tên. Có nhiều nguồn tin cho rằng đây là hợp đồng bán cho Trung Quốc, nhưng số lượng không lớn như các tin đồn trước đó, bởi giá đậu tương Mỹ hiện vẫn đắt hơn khá nhiều so với đậu tương Brazil. Buyers Trung Quốc mua đậu tương Mỹ ở thời điểm này, chủ yếu là hàng giao tháng gần, để đảm bảo nguồn cung ổn định trong trường hợp các cảng biển của Brazil bị tắc nghẽn.

Khô đậu tăng cùng biên độ với đậu tương và hiện đã vượt qua mức kháng cự kỹ thuật 320, có thời điểm lên mức cao nhất từ tháng 7 năm ngoái. Trong chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, khô đậu đã có mức tăng 30 USD, là mức tăng rất mạnh, hiếm thấy trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân có thể đến từ tâm lý mua hàng sớm của các buyers châu Á, khi giá flat đã về vùng thấp, và cũng do lo ngại nguồn cung của Mỹ, Brazil và Argentina sẽ bị gián đoạn trong giai đoạn giữa năm 2020 do virus Covid-19.

Dầu đậu nành tăng theo thị trường nhưng mức tăng ít hơn. Giá dầu thô tiếp tục giảm 21% trong ngày hôm qua, đã phá vỡ  vùng đáy 20 USD/thùng. Điều này tạo sức ép lên giá các loại dầu thực vật.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ trong ngày hôm qua, khi lực bán mạnh hơn áp đảo trong phiên tối, đã xóa sạch số điểm đã tăng trong phiên sáng. Báo cáo Daily Export Sales của USDA cho biết hợp đồng bán 756,000 tấn ngô 2019/20 cho Trung Quốc, là hợp đồng bán rất lớn và nhiều hơn so với các tin đồn trước đó. Tuy nhiên, thị trường đã hành động theo hướng “buy the rumor – sell the fact” – vốn rất quen thuộc trên các thị trường tài chính. Giá tăng mạnh trước đó theo tin đồn, nhưng giảm lại sau khi tin đồn được xác nhận. Ngoài ra, ngô cũng không có thông tin “bearish” nào khác, nên Giaodich24 cho rằng giá có thể sớm tăng trở lại vào tuần sau theo xu hướng chung của sàn CBOT.

Lúa mỳ đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm qua, và hiện đang ở mức giá 540 khá quan trọng. Các tin đồn Trung Quốc lần đầu mua lúa mỳ HRW của Mỹ kể từ năm 2017 đã được xác nhận trong báo cáo Daily Export Sales của USDA với khối lượng 340,000 tấn. Đây rõ ràng là thông tin “bullish” chính khiến giá tăng điểm. Giá lúa mỳ tại Pháp hiện đang có chiều hướng tăng mạnh, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến chuỗi cung ứng ngũ cốc của nước này bị tắc nghẽn. Đây có thể là cơ hội để Mỹ tăng xuất khẩu trong thời gian tới, khi giá lúa mỳ FOB của Mỹ không tăng nhiều trong thời gian gần đây.

Giaodich24