Sàn giao dịch CBOT có những diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua, do tác động khác nhau của các thông tin cơ bản. Đậu tương và khô đậu giao dịch với khối lượng lớn hơn phiên trước đó, trong khi ngô và lúa mỳ giao dịch với khối lượng thấp hơn. Các quỹ đầu cơ vẫn đang mua – bán ngô với lượng lớn trong vài ngày gần đây.

Tối qua Mỹ - Trung không có thêm tuyên bố chính thức nào về đàm phán thương mại, nhưng một bài báo trên Reuters rạng sáng nay cho biết Mỹ có thể sẽ áp thêm thuế đối với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào Giáng sinh năm nay, nếu thỏa thuận thương mại không đạt được. Ngoài ra, một số nguồn tin nhỏ lẻ dẫn lời quan chức Trung Quốc cho biết nước này sẽ ngay lập tức dừng mua hàng hóa của Mỹ nếu thỏa thuận thương mại gặp trục trặc. Các thông tin có vẻ cứng rắn này từ hai phía sẽ tạo áp lực đối với sàn CBOT trong phiên hôm nay, nhưng nếu có thông tin tích cực mới, nó sẽ không còn là thông tin “bearish” nữa. Nhìn chung, đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn đang đi theo chiều hướng tốt, vấn đề thị trường lo lắng chỉ là thời gian bị kéo dài, khiến các rủi ro liên quan đến lợi ích của 2 bên có thể khiến thỏa thuận không được suôn sẻ như các kỳ vọng trước đó.

- Đậu tương đóng cửa giảm nhẹ, trong khi khô đậu tiếp tục tăng điểm trong ngày hôm qua. Giá khô đậu mạnh lên trong vài phiên vừa qua, do tâm lý mua hàng thật của các buyers ở vùng giá CBOT gần 300, nhưng cũng do giá dầu đậu nành đang có chuỗi 3 phiên giảm mạnh liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Khi giá đậu tương ít thay đổi, giá dầu đậu nành và khô đậu thường có diễn biến trái chiều nhau như vậy. Tối qua, cả đậu tương và khô đậu đều có được mức tăng khá tốt trong đầu phiên tối, sau báo cáo Daily Export Sales bán 106,000 tấn đậu tương cho nước giấu tên và thông tin Trung Quốc mua ít nhất 7 tàu đậu tương Mỹ trong tuần này. Tuy nhiên, đến cuối phiên, bất ngờ xuất hiện lực bán nhiều hơn và đẩy giá xuống, khiến đậu tương đảo chiều giảm điểm, còn khô đậu chỉ có mức tăng nhẹ. Có thể tâm lý lo lắng về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã xuất hiện nhiều hơn, góp phần vào lực bán này. Nhưng cũng có thể lực bán đến từ các thông tin về mùa vụ Brazil, đã ra trước đó nhưng có tác động chậm hơn đối với thị trường. Tối qua, CONAB tăng dự báo sản lượng đậu tương Brazil lên mức 120.9 triệu tấn, AgroConsult dự báo mức 124.0 triệu tấn, đều là mức cao kỷ lục. USDA hiện đang dự đoán ở mức 123.0 triệu tấn.

- Ngô đóng cửa giảm điểm trong phiên hôm qua sau một phiên giao dịch giằng co với khoảng rất hẹp, chỉ 3 cents. Báo cáo Crop Progress đưa ra tiến độ thu hoạch ngô tốt hơn, cùng với việc Midwest không còn tuyết và băng giá là các thông tin “bearish” nhẹ trong phiên. Ngoài ra, việc Trung Quốc phát hiện thêm dịch tả heo châu Phi, bên cạnh việc dịch tiếp tục gây thiệt hại tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và cả Hàn Quốc, là các thông tin không tốt đối với nhu cầu ngô tại châu Á.

Khác với khô đậu, do tồn kho ngô tại Việt Nam đang ở mức cao, khiến giá nội địa giảm sâu, các nhà máy TĂCN có vẻ không mặn mà trong việc mua ngô ngoại ở thời điểm này. Vì thế, trên sàn CBOT đã thiếu vắng một lượng mua lớn, khiến giá khó tăng vượt 380 trong ngắn hạn.

- Lúa mỳ quay đầu giảm khá nhiều trong phiên hôm qua và tiếp tục có những phiên giao dịch với khoảng rộng trong vài phiên gần đây. Mặc dù USDA đưa ra tiến độ gieo trồng lúa mỳ vụ đông khá chậm, cùng với chất lượng bị giảm 3% trong báo cáo này, nhưng có vẻ tâm lý “buy the rumor – sell the fact” đã diễn ra. Thị trường đã dự đoán được số liệu này từ trước, và là nguyên nhân khiến giá tăng điểm mạnh trong ngày thứ ba. Sau đó, khi USDA ra báo cáo, lực bán xuất hiện nhiều hơn và khiến giá giảm điểm trở lại. Một lý do nữa khiến lúa mỳ giảm điểm, là giá lúa mỳ HRW xuất khẩu của Mỹ đang tiếp tục tăng cao hơn

so với các loại lúa mỳ khác, hiện chỉ rẻ hơn lúa mỳ chất lượng cao của Úc. Vì thế, triển vọng xuất khẩu của lúa mỳ Mỹ trong thời gian tới là rất khó khăn, có thể sẽ được phản ánh vào các báo cáo Xuất khẩu trong thời gian tới.

www.giaodich24.vn