CBOT: Thị trường nông sản đóng cửa với các mức thay đổi không đáng kể

Kết thúc phiên hôm qua, các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT đều có các mức thay đổi nhỏ dưới 1%.

Đậu tương đóng cửa chỉ với 0.25 cent cao hơn so với phiên trước đó. Ngưỡng 910 tiếp tục cho thấy đây là một mức hỗ trợ mạnh khi giá đã chạm vùng này rồi bật lên trong 2 phiên liền. Kết quả Crop Tour ngày thứ 2 tại các bang Indiana và Nebraska cho thấy năng suất đậu tương có dấu hiệu giảm dần so với kỳ vọng khi càng đi gần vào trung tâm, là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thời tiết năm nay. Trong khi đó thời tiết trong 6 – 10 ngày tới dự báo sẽ khô và nóng hơn so với bình thường ở các khu vực gieo trồng chính, tiếp tục gây ra lo ngại cho sự phát triển của đậu tương. Ngày hôm qua, Trung Quốc tiếp tục quay lại mua 192,000 tấn đậu tương của Mỹ trong báo cáo Daily Export Sales. Đây là đơn hàng đậu tương thứ 10 của nước này từ đầu tháng 8 đến nay, đã có tác động đến giá rất lớn ngay sau khi mở cửa phiên tối, giúp cho đậu tương tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời và lực bán mạnh tại ngưỡng kháng cự 920, cùng với các lo ngại về căng thẳng có thể gia tăng giữa Mỹ – Trung sau khi tổng thống Trump hoãn vô thời hạn cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đã khiến giá chịu sức ép lớn về cuối phiên.

Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch tiếp tục tăng thuế để hỗ trợ ngành sản xuất dầu diesel sinh học tại nước này đã hỗ trợ giá dầu cọ và dầu dậu tương tiếp tục tăng trong phiên hôm qua. Qua đó, khiến giá khô đậu tương suy yếu do diễn biến trái chiều của 2 mặt hàng này mỗi khi giá đậu tương không thay đổi.

Ngô đóng cửa tại ngay sát mức hỗ trợ 340, giảm 2 cent so với phiên trước đó. Việc mất mức hỗ trợ này có thể khiến lực bán tiếp tục gia tăng và đẩy giá về khoảng giao dịch 330 – 340 trong thời gian tới. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, nhập khẩu ngô trong nửa đầu tháng 8 đạt 642,203 tấn, giảm 14.5% so với cùng kỳ tháng 7. Giá ngô nhìn chung vẫn chịu sức ép từ việc xuất khẩu gia tăng tại các quốc gia Nam Mỹ trong nửa cuối năm, khi mà trước đó Brazil đang dự đoán xuất khẩu ngô tháng 8 tại nước này sẽ có thể đạt mức cao kỷ lục.

Lúa mỳ tiếp tục là mặt hàng có biến động mạnh nhất trong nhóm nông sản với mức tăng gần 1%. Algeria đã mua 560,000 tấn lúa mỳ cùng với Thái Lan cũng mua 69,000 tấn trong các phiên đấu thầu kết thúc hôm qua là yếu tố chính hỗ trợ giá lúa mỳ tăng. Thời tiết tại các khu vực gieo trồng lúa mỳ vụ xuân cũng không thuận lợi trong thời gian tới, gây ra một chút lo ngại về chất lượng khi chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch.

 

Giaodich24