Giá các loại ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đồng loạt giảm mạnh trong ngày hôm qua, dù thị trường không có nhiều thông tin đặc biệt. Đây có thể là tác động “bearish” muộn của báo cáo Cung – cầu tháng 5 được USDA phát hành vào ngày thứ ba trước đó. Ngoài ra, nhưng cơn mưa to và vùng mưa rộng hơn ở Midwest, Mỹ, cũng như tại các vùng trồng lúa mỳ ở Pháp, cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá giảm điểm.

Trong báo cáo được Hải quan Việt Nam phát hành hôm qua:

- Nhập khẩu ngô trong tháng 4 đạt 841,025 tấn, so với 263,522 tấn đã nhập khẩu trong tháng 3 và mức 918,102 tấn đã nhập khẩu trong tháng 4 năm 2019 Nhập khẩu ngô về Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2.16triệu tấn, so với 2.96 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

- Nhập khẩu đậu tương trong tháng 4 đạt 118,308 tấn, so với 211,299 tấn đã nhập khẩu trong tháng trước và mức 163,861 tấn đã nhập khẩu trong tháng 4 năm 2019. Nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 548,809 tấn, so với 601,469 tấn cùng kỳ năm ngoái.

- Nhập khẩu lúa mỳ trong tháng 4 đạt 239,206 tấn, so với 349,999 tấn đã nhập khẩu trong tháng trước và mức 250,290 tấn đã nhập khẩu trong tháng 4 năm 2019. Nhập khẩu lúa mỳ về Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1.21 triệu tấn, so với 756,740 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Đậu tương và dầu đậu nành đều giảm gần 1.5% trong ngày hôm qua, là các mức giảm khá mạnh. Trong khi đó, khô đậu đóng cửa giảm chưa đến 2 USD, là mức giảm nhẹ hơn nhiều, do mức độ mạnh – yếu của khô đậu vẫn đang trái chiều với dầu đậu nành. Mức tăng tồn kho thêm 100 triệu giạ trong báo cáo WASDE tháng 5 của USDA là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm trong ngày hôm qua. Dù Trung Quốc mua thêm 396,000 tấn đậu tương Mỹ trong báo cáo Daily Export Sales, hầu như không nhận thấy có lực mua trong tối qua, thậm chí bên bán áp đảo trong cả phiên tối. Mỹ và các nước châu Âu vẫn liên tục có những phát ngôn căng thẳng hướng về Trung Quốc, khiến thị trường lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Về mùa vụ, nhưng cơn mưa nhiều hơn ở Midwest sẽ giúp chất lượng nảy mầm của đậu tương tốt hơn và cũng là thông tin “bearish” quan trọng.

Ngô đóng cửa giảm 1% trong ngày hôm qua, là mức giảm trung bình. Mặc dù số liệu tồn kho cuối vụ ngô 2019/20 không cao như các dự đoán của Reuters, nhưng vẫn cao hơn so với tháng trước. Nhưng điều quan trọng hơn, là số liệu tồn kho cuối vụ 2020/21 đang được USDA dự đoán ở mức cao nhất từ năm 1987 tới nay, cho thấy trạng thái dư cung rất lớn đối với ngô Mỹ, và sẽ là số liệu khiến giá ngô duy trì ở vùng thấp trong thời gian tới. Sau báo cáo lúc 21:30 của EIA về việc sản lượng ethanol hồi phục trở lại, ngô xuất hiện khá nhiều lệnh mua sau đó, nhưng lực mua này cũng không thể kéo dài được lâu. Giá bị đẩy xuống vào cuối phiên nhờ những cơn mưa tốt hơn ở Midwest, khiến các tín hiệu đảo chiều trước đó không còn xuất hiện trên các biểu đồ kĩ thuật.

Lúa mỳ giảm khá mạnh trong ngày hôm qua trên sàn Chicago. Còn giá Hard Red Winter trên sàn Kansas cũng giảm xuống mức thấp nhất 8 tuần. Algeria và các nước nhập khẩu lớn đang mua nhiều lúa mỳ từ EU hơn, cho thấy khả năng xuất khẩu của lúa mỳ Mỹ vẫn rất kém trong thời gian tới. Tồn kho ở vùng 900 triệu – 1 tỉ giạ trong báo cáo WASDE là các mức tồn kho cao trong lịch sử, nên giá lúa mỳ có thể sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp trong thời gian tới. Theo dự báo thời tiết, mưa xuất hiện ở vùng đồng bằng phía nam và phía tây bắc – là những vùng trồng lúa mỳ vụ đông lớn nhất tại Mỹ, sẽ giúp cải thiện chất lượng mùa vụ tại các bang này. Còn ở châu Âu, Pháp vẫn có mưa to, sẽ giúp chất lượng tốt hơn, ít nhất cũng cắt được chuỗi giảm chất lượng liên tục trước đó.

Giaodich24