CBOT: Thị trường nông sản tràn ngập sắc đỏ trong phiên cuối tuần

Giá các loại nông sản trên sàn CBOT có phiên giao dịch cuối tuần ngập trong sắc đỏ, với mức giảm mạnh nhất thuộc về dầu đậu tương, đẩy giá mặt hàng này quay lại dưới ngưỡng kháng cự 31.

Trung Quốc tiếp tục mua 456,000 tấn đậu tương của Mỹ trong ngày hôm qua, đây là đơn hàng lớn nhất từ đầu tháng 6 đến nay từ Mỹ cho quốc gia này, nhưng giá đậu tương vẫn đóng cửa với mức giảm 1.2%. Thị trường bất ngờ nhận được các dự báo về việc năng suất đậu tương có thể tăng mạnh trong báo cáo Cung – cầu thế giới được phát hành lúc 23h tối thứ 4 tới (12/08), lên mức xấp xỉ 51 giạ/mẫu, so với 49.8 giạ/mẫu trong báo cáo tháng 7. Thời tiết tại phía nam Midwest trong báo cáo Hạn hán tuần này của NOAA được cải thiện đáng kể, khi các khu vực khô hạn bất thường đã giảm hẳn, là nguyên nhân khiến các chuyên gia đưa ra dự báo trên. Việc năng suất cải thiện dẫn đến dự báo sản lượng có thể tăng lên mức 4,3 tỷ giạ, tăng hơn 20% so với niên vụ trước, đã tạo áp lực lớn lên giá đậu tương trong phiên hôm qua, bất chấp nhu cầu đang tăng mạnh trở lại từ Trung Quốc.

Khô đậu tương và dầu đậu tương cùng giảm theo ảnh hưởng từ diễn biến của giá đậu tương, tuy nhiên với mức độ khác nhau. Giá dầu đậu tương giảm đều trong suốt từ phiên sáng đến hết phiên tối. Mức giá 31 lúc đầu phiên sáng đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ, tuy nhiên sau khi mất mốc này thì trong phiên tối, nó đã trở thành mức kháng cự, khiến dầu đậu tương đóng cửa giảm mạnh 1.69%. Nhờ đó, khô đậu tương đã phục hồi vào cuối phiên để đóng cửa với mức giảm chỉ 0.55%.

Giống như đậu tương, báo cáo NOAA cũng tác động đến năng suất ngô, tuy nhiên một số khu vực tại bang Iowa lại xuất hiện thêm hạn hạn nghiêm trọng, khiến mức độ ảnh hưởng có phần nhẹ hơn. Các chuyên gia dự báo sản lượng ngô được dùng cho việc sản xuất Ethanol sẽ thấp hơn trong báo cáo Cung – cầu tới so với báo cáo tháng 7, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa hề chững lại tại Mỹ, khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể suy giảm. Sở giao dịch Buenos Aires Exchange cho biết, sản lượng ước tính của mùa vụ ngô Argentina năm nay lần đầu tiên vượt sản lượng đậu tương sau 20 năm, nhờ diện tích thu hoạch tăng 19.8% so với năm ngoái, cũng góp phần khiến giá ngô CBOT giảm gần 1% trong phiên hôm qua.

Lúa mỳ tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1.15%. Giá giảm rất mạnh sau khi mất mốc hỗ trợ 500 về gần sát 490 sau đó hồi phục trở lại và cuối phiên. Tuy nhiên vẫn đóng của dưới mức 500, khiến xu hướng của lúa mý sẽ trở nên khó đoán hơn trong thời gian tới. Chất lượng lúa mỳ Mỹ được cải thiện đáng kể trong tuần vừa rồi do điều kiện thời tiết thuận lợi đối với lúa mỳ vụ xuân, cùng với mức độ protein tiếp tục tăng đối với lúa mỳ vụ đông đang ở gần cuối quá trình thu hoạch. Xuất khẩu lúa mỳ tại Canada trong tuần cuối cùng của niên vụ 2019/20 cũng được đẩy mạnh, khiến tổng lũy kế xuất khẩu của lúa mỳ năm vừa rồi ở nước này đạt mức cao thứ 2 trong lịch sử.   

Giaodich24