I. Đậu tương, khô đậu tương và dầu đậu tương

Đậu tương đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức tăng hơn 20 cents của các hợp đồng tháng 5 và tháng 7.  Diễn biến thị trường hiện đang có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp với mức tăng 65 cents kể từ vùng đáy (các tháng xa tăng ít hơn).

Nếu thị trường lấp đầy được gapdown ở vùng 890 xẩy ra vào ngày 06/03, sẽ không loại trừ khả năng đậu tương có thể vượt lên trên vùng kháng cự tâm lý 900 trong thời gian tới. Những lo ngại về tình trạng logistics tại Brazil và Argentina sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xuất khẩu sang châu Á, cùng với lo ngại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn chuẩn bị gieo trồng mùa vụ mới 2020, là nguyên nhân chính khiến giá tăng điểm.

Tuy nhiên, nói về mức tăng mạnh trong giai đoạn này, khô đậu mới là điểm sáng nhất trên sàn CBOT. Sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, khô đậu đã có mức tăng hơn 40 USD và tiếp tục gap-up trong phiên sáng nay. Giá khô đậu trên sàn Đại Liên tăng kịch trần, cho thấy thị trường Trung Quốc đang lo ngại thiếu nguồn cung trong ngắn hạn. Xuất khẩu đậu tương từ Brazil và Argentina chậm lại, cũng đồng nghĩa với các nhà máy ép dầu sẽ thiếu nguyên liệu đầu vào và sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi –  hoạt động chăn nuôi –  cung ứng thực phẩm sau đó. Giải pháp tình thế có thể là mua đậu tương từ Mỹ với giá cao hơn, nhưng nếu Mỹ cũng ban hành một lệnh phong tỏa toàn quốc, xuất khẩu chắc chắn cũng sẽ bị chậm lại như các nước Nam Mỹ.

Tại Brazil, theo thông tin mới nhất, chính quyền thành phố Rondonopolis – trung tâm nông nghiệp của bang có sản lượng ngô và đậu tương lớn nhất là nước là Mato Grosso, đã ban hành một lệnh phong tỏa, dừng tất cả các hoạt động làm việc và giải trí để đối phó với sự bùng phát Covid-19 đang diễn ra tại nước này. Lệnh cấm này có thể sẽ ảnh hưởng tới cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Brazil trong vài ngày tới.

Tại Argentina, các cuộc đình công đã không diễn ra khi công nhân và chính phủ đã tìm được tiếng nói chung. Chính quyền thành phố cảng Timbues ở bang Santa Fe cũng đã đảo ngược quyết định trước đó của Thị trưởng, khi cho phép các xe chở ngũ cốc được vậ chuyển hàng đến cảng. Đây sẽ là thông tin tốt hơn đối với hoạt động xuất khẩu tại Argentina, ít nhất cũng làm giảm các lo ngại tắc nghẽn các loại ngũ cốc xuất khẩu.

  • Dự đoán đậu tương tháng 5: Xu hướng giá có thể sẽ tiếp tục tăng điểm, nhưng sau diễn biến 4 phiên tăng liên tục thị trường sẽ không tránh khỏi hoạt động điều chỉnh; vùng giá hỗ trợ tốt 870 - 872.

 

  • Dự đoán khô đậu tháng 5: Giá sẽ tăng mạnh hơn đậu tương, nhưng có thể bị chặn lại ở vùng kháng cự 340 – 350, ít nhất cũng phải điều chỉnh lại sau chuỗi tăng liên tiếp vừa qua.

  • Dự đoán dầu đậu tháng 5:

II. Ngô

Ngô có gapdown sau khi mở cửa đầu tuần, nên dù giá tăng lại sau đó, nhưng cũng không tránh khỏi 1 phiên đóng cửa giảm điểm trên biểu đồ  giao dịch kỳ hạn tháng 5. Đến sáng nay, thông tin Mỹ giảm sản lượng ethanol đi 2 tỷ gallon mỗi năm rõ ràng là thông tin “bearish” và khiến ngô tiếp tục giảm nhẹ. Chính vì lo ngại nhu cầu ethanol sẽ giảm mạnh, nên ngô không thể tăng nhiều nhu đậu tương và lúa mỳ dù ngô cũng cùng có tác động “bullish” giống như các mặt hàng ày.

Lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 3 tuần tại Anh là dấu hiệu cho thấy nếu Mỹ không kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, lệnh phong tỏa một phần hoặc toàn quốc sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn chuỗi cung ứng ngũ cốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng ngược lại, nhu cầu đi lại sẽ giảm mạnh, dẫn đến nhu cầu nhiên liệu và ethanol cũng giảm. Chính sự đối lập này đang khiến ngô giằng co và chưa xác định được hướng đi

mới.

Tại Brazil và Argentina, các vấn đề về logistics có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng không tác động nhiều tới ngô giống như đậu tương. Argentina vẫn chưa thu hoạch ngô vụ mới nên có ít ngô tồn kho vụ cũ để xuất khẩu. Trong khi Brazil mới chỉ có ngô vụ 1, trồng chủ yếu ở miền nam, nên ít bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa tại bang Mato Grosso. Vì thế, các thông tin này chỉ có tính chất “bullish” nhẹ đối với giá ngô trên sàn CBOT.

  • Dự đoán ngô tháng 5: Giá có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vài phiên tới, với khoảng giao dịch hẹp mỗi phiên

III. Lúa mỳ

Lúa mỳ đóng cửa tăng điểm mạnh trên cả 3 sàn giao dịch lúa mỳ tại Mỹ. Giá lúa mỳ tháng 5 trên sàn Chicago đóng cửa tăng hơn 20 cents. Như vậy là chỉ sau 4 phiên tăng liên tiếp, lúa mỳ đã tăng được hơn 60 cents, mức tăng shock nếu so với khoảng giao dịch hẹp trong giai đoạn đầu năm 2020. Vì thế, việc giá giảm điều chỉnh trở lại trong phiên sáng nay cũng không có gì bất ngờ. Rạng sáng nay, trong báo cáo Crop Progress của các tiểu bang ở vùng đồng bằng phía nam, USDA tăng chất lượng lúa mỳ ở toàn bộ khu vực bao gồm Kansas, Colorado, Okalahoma và Texas. Đây rõ ràng là thông tin “bearish” và là nguyên nhân khiến giá giảm điểm. Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến Covid-19 đang chuyển từ lo ngại giảm nhu cầu, thành lo ngại hạn chế xuất khẩu. FAO dự báo nhu cầu thực phẩm toàn cầu sẽ tăng lên, do người dân ở nhà nhiều hơn và có xu hướng tích trữ lương thực – thực phẩm. Lệnh phong tỏa mới tại Anh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu lúa mỳ của nước này, tương tự với điều đang xảy ra tại các nước châu Âu. Vì thế, Giaodich24 cho rằng lúa mỳ sẽ vẫn có xác suất tăng điểm cao hơn trong thời gian tới.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 5: Giá có thể sẽ chỉ test lại mức hỗ trợ tâm lý 550 trước khi đảo chiều tăng điểm trong thời gian sau đó. Giaodich24 đánh giá xác suất tăng điểm cao hơn áp đảo.

Giaodich24