Đậu tương là mặt hàng tăng điểm nhiều nhất trên sàn CBOT trong ngày hôm qua, nhưng cũng chỉ với mức tăng trung bình. Vào phiên sáng và đầu phiên tối, giá thậm chí còn giảm mạnh, trước khi đảo chiều trong phiên tối nhờ các tin đồn mua hàng của Trung Quốc. Trung Quốc được cho là đang muốn mua đậu tương Mỹ trong ngắn hạn, để đảm bảo nguồn cung ổn định, do lo ngại đình công tại cảng Santos có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Brazil. Còn về thông báo bỏ toàn bộ các loại thuế nhập khẩu trả đũa trong chiến tranh thương mại, đồng nghĩa với việc thuế nhập khẩu đậu tương giảm về mức 3% giống các nguồn cung khác, thị trường có vẻ ít bị tác động bởi thông tin này. Bởi trong văn bản của chính phủ Trung Quốc, có đề cập tới việc các doanh nghiệp phải làm đơn xin miễn thuế, và việc có đồng ý miễn thuế hay không sẽ được chính phủ Trung Quốc quyết định dựa vào tình hình của thị trường. Ngoài ra, chính sách miễn thuế này được cho là chỉ áp dụng trong 1 khoảng thời gian, cho đến khi có thông báo mới. Ngay cả với mức thuế 3% giống đậu tương Brazil, giá FOB của đậu tương Mỹ vẫn đang cao hơn khá nhiều và nếu chỉ đơn thuần theo cơ chế thị trường, các buyers Trung Quốc sẽ vẫn mua đậu tương Brazil trong trung – dài hạn. Trung Quốc sẽ chỉ mua nhiều đậu tương Mỹ, nếu chính phủ nước này yêu cầu các tập đoàn nhà nước như Cofco hay Sinograins “phải” mua.

Giá khô đậu và dầu đậu nành vẫn tiếp tục trái chiều nhau, là kịch bản đã duy trì từ đầu năm 2020 tới nay. Hiện nay, giá khô đậu đang tăng nhẹ trong vài phiên, do giá dầu đậu nành yếu đi theo xu hướng chung của thị trường dầu thực vật. Giá dầu cọ Malaysia đóng cửa giảm 3.5%, đã tạo ra áp lực “bearish” lên toàn bộ các thị trường dầu thực vật thế giới. Mặc dù đồng Ringgit của Malaysia giảm xuống mức thấp nhất so với Dollar Mỹ kể từ giữa tháng 12, khiến giá dầu cọ trở nên hấp dẫn hơn đối với các buyers, nhưng nhu cầu dầu thực vật của Trung Quốc bị ảnh hưởng do các dịch bệnh là nguyên nhân khiến giá giảm mạnh.

Về hội thảo USDA Ag Outlook tối nay của USDA, Reuters dự đoán diện tích gieo trồng đậu tương sẽ đạt 84.6 triệu mẫu, so với 76.1 năm ngoái. Mức tăng này sẽ gây ra nhiều bất ngờ cho thị trường, bởi triển vọng xuất khẩu đậu tương Mỹ không tốt và sản lượng dồi dào tại Nam Mỹ sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn. Mỹ và Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn 1 của đàm phán thương mại, trong khi nhu cầu thực tế của Trung Quốc bị giảm mạnh do dịch tả heo châu Phi và vẫn chưa thể hồi phục lại. Đó là chưa kể đến tác động từ virus Corona và các loại cúm gia cầm đang đe dọa ngành chăn nuôi của nước này. Nên nếu Mỹ tăng diện tích gieo trồng trong mùa vụ 2020/21, sẽ tạo ra hiện tượng dư cung lớn đối với thị trường và sẽ khiến giá đậu tương và khô đậu duy trì ở vùng giá thấp trong nửa đầu năm 2020 này.

  • Dự đoán đậu tương tháng 3: Giá tăng hay giảm trong hôm nay sẽ phụ thuộc khá nhiều vào số liệu diện tích gieo trồng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Giaodich24 cho rằng giá sẽ vẫn duy trì khoảng 885 – 900.

 

  • Dự đoán khô đậu tháng 3: Giá sẽ đi theo đậu tương và ngược hướng với dầu đậu nành. Xác suất tăng của khô đậu đang nhỉnh hơn do giá dầu thực vật yếu đi.

 

  • Dự đoán dầu đậu tháng 3:

Ngô đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, và vẫn không có nhiều ý nghĩa trong xu hướng đi ngang với khoảng 375 – 394 trong ngắn – trung hạn. Khoảng giao dịch này đã duy trì được hơn 3 tháng và có lẽ phải đợi tới mùa vụ Mỹ 2020/21 để giá ngô có thể biến động mạnh hơn và phá vỡ khoảng giao dịch này.

Thông tin Trung Quốc dỡ bỏ các loại thuế nhập khẩu trả đũa đối với ngô Mỹ dường như không có tác động nào đến thị trường bởi Trung Quốc sẽ rất khó mua ngô Mỹ ở thời điểm hiện tại. Giá ngô Ukraina hấp dẫn hơn và cũng đến Trung Quốc sớm hơn, sẽ giải quyết được các vấn đề về nguồn cung trong ngắn hạn của nước này. Trong khi đó, xét về dài hạn, nhu cầu sử dụng ngô cho Trung Quốc có chiều hướng giảm trong năm nay do các dịch cúm, nên sẽ có ít hợp đồng mua ngô Mỹ được kỳ vọng diễn ra trong thời gian tới.

Tối nay, số liệu diện tích trong hội thảo USDA Ag Outlook Forum 2020 sẽ rất được chú ý. Theo các dự đoán của Reuters, diện tích gieo trồng ngô Mỹ vụ mới có thể đạt 93.6 triệu mẫu, so với 89.7 năm ngoái. Đây là mức dự đoán khá cao, và nếu USDA đưa ra các con số này thật, có thể sẽ tạo áp lực lên giá trong phiên tối. Trong những năm gần đây, hội thảo Ag Outlook Forum gần được coi là số liệu chính thức đầu tiên về diện tích gieo trồng mùa vụ Mỹ, nên thường có tác động đáng kể lên thị trường.

  • Dự đoán ngô tháng 3: Giá sẽ vẫn duy trì khoảng giao dịch đi ngang 378 – 385 trong thời gian tới. Việc giá tăng hay giảm trong ngày hôm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các số liệu trong hội thảo USDA Ag Outlook Forum.

Lúa mỳ chỉ đóng cửa giảm điểm nhẹ trong ngày hôm qua, dù có những thời điểm đã giảm rất mạnh trong phiên sáng và đầu phiên tối. Tâm lý chốt lời của giới đầu cơ sau phiên tăng vọt trước đó nhưng không vượt được kháng cự kỹ thuật 570, cùng với thông tin chất lượng lúa mỳ vụ đông ở bang Kansas bất ngờ tăng tới 11% so với tuần trước, là các thông tin “bearish” và khiến giá giảm điểm. Tuy nhiên, vào nửa cuối phiên tối qua, lực mua bất ngờ xuất hiện mạnh trở lại, khiến giá đảo chiều và đóng cửa với mức giảm rất nhỏ.

Nhìn chung, Giaodich24 vẫn duy trì nhận định rằng thị trường lúa mỳ đang có nhiều thông tin cơ bản “bullish” hơn. Các thông tin này tuy không mới, nhưng vẫn có tác động trong trung – dài hạn đối với giá lúa mỳ. Xu hướng này chưa chắc có thể khiến lúa mỳ vượt lên trên mức 600 (do tồn kho thế giới vẫn đang ở mức cao nhất lịch sử), nhưng cũng sẽ giúp lúa mỳ luôn được hỗ trợ ở vùng giá 540 – 550 và khó giảm dưới các mức này.

Về hội thảo USDA Ag Outlook Forum tối nay, Reuters dự đoán số liệu diện tích gieo trồng lúa mỳ sẽ ở mức 44.9 triệu mẫu, so với 45.2 năm ngoái. Nhưng so với ngô và đậu tương, các số liệu này sẽ có ít tác động đến giá lúa mỳ hơn. Vì thế, thị trường có thể sẽ không biến động nhiều trong ngày hôm nay.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 3: Giá có thể sẽ ở trong khoảng 553 – 568 trong vài phiên tới. Thị trường sẽ thu hẹp khoảng giao dịch lại, trừ khi các số liệu từ USDA Ag Outlook Forum tăng – giảm quá mạnh so với dự đoán và năm ngoái

 

Giaodich24