Đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành cùng đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua và tiếp tục giảm thêm trong phiên sáng nay sau khi WHO công bố virus Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Nỗi sợ hãi đang bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán, kết hợp với đà giảm mạnh trở lại của giá dầu thô, đang tác động “bearish” đối với thị trường hàng hóa nói chung và ngũ cốc nói riêng.

Nhìn chung, thị trường không có thông tin nào “bearish” mới, nên giá chủ yếu giảm theo tác động từ virus Corona, và việc USDA vừa tăng sản lượng đậu tương Brazil và Argentina thêm 1 triệu tấn trong báo cáo WASDE tháng 2. Ngoài ra, việc đồng Real của Brazil trượt giá xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với Dollar Mỹ sẽ kích hoạt rất nhiều lệnh bán của nông dân nước này. Giá đậu tương Brazil vẫn cạnh tranh hơn so với đậu tương Mỹ tại thị trường Trung Quốc, nên các buyers Trung Quốc sẽ vẫn tập trung mua hàng Brazil tháng xa trong khoảng thời gian này. Nếu có hơp đồng mua đậu tương Mỹ, chủ yếu sẽ là hàng tháng gần, do lo ngại hoạt động xuất khẩu tại cảng của Brazil bị tắc nghẽn. Hiện nay, giá đậu tương nhập khẩu giao ngay tại Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua.

Đến sáng nay, thị trường đón nhận thông tin “bullish” đầu tiên trong vài ngày qua, khi Rosario Exchange bất ngờ giảm mạnh dự báo sản lượng đậu tương Argentina từ 55.0 xuống chỉ còn 51.5 triệu tấn. Thời tiết hạn hán trong vòng 3 tuần qua đã có ảnh hưởng xấu tới chất lượng các mùa vụ tại Argentina, nhưng mức giảm 3.5 triệu tấn cũng gây ra không ít bất ngờ. Tuy nhiên, thông tin này có thể khiến giá đảo chiều tăng trở lại hay không, sẽ phụ thuộc nhiều vào các thông tin mới về virus Corona cũng như tình hình giá dầu thô trong phiên hôm nay.

Khô đậu và dầu đậu nành giảm nhẹ hơn trong ngày hôm qua. Cuộc đình công của nông dân Argentina chưa mang đến tác động tiêu cực như các đồn đoán trước đó. CIARA cho biết hoạt động tại cảng vẫn bình thường và có lẽ tác động từ đình công sẽ được nhìn rõ hơn từ ngày hôm nay. Theo các báo cáo từ thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, các buyers đang không muốn mua hàng ở giá flat hiện tại và sẽ chờ giá giảm gần về vùng đáy hồi tháng 2. Vì thế, lực đỡ trên thị trường sẽ yếu đi đáng kể trong vài ngày tới.

 Dự đoán đậu tương tháng 5: Giá đã giảm mạnh trong sáng nay do giá dầu đang giảm mạnh, cộng thêm yếu ảnh hưởng từ sau khi WHO công bố virus Covid-19 là đại dịch toàn cầu khiến cho việc dự báo diễn biến giá trở lên khó khăn, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro nên NĐT cân nhắc rất kỹ trước khi tham gia. Quan điểm Giaodich24 cho rằng giá sẽ hồi phục lên vùng giá 868 và giảm sâu tiếp đến 850.

 Dự đoán khô đậu tháng 5: Giá có thể sẽ đi theo đậu tương.

Ngô đóng cửa giảm điểm trong phiên hôm qua và đang tiếp tục giảm điểm trong phiên sáng nay. Thông tin từ EIA cho biết sản lượng ethanol tại Mỹ đã giảm trở lại sau 4 tuần tăng liên tiếp trước đó là thông tin tạo áp lực khiến giá giảm điểm trong ngày hôm qua. Đến sáng nay, toàn bộ thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu đều giảm điểm khi WHO công bố Covid-19 là đại dịch và giá dầu thô đang giảm mạnh, có nguy cơ phá vỡ vùng đáy 30 USD/thùng.

Tại Argentina, những cơn mưa lớn từ đầu tuần sẽ kéo dài hơn so với kế hoạch trước đó, giúp cải thiện chất lượng mùa vụ tại các vùng bị hạn hán trước đó. Trong báo cáo sáng nay, Rosario Exchange cũng không giảm dự báo sản lượng ngô, mà giữ nguyên ở mức 50 triệu tấn, cho thấy các dự đoán đã hấp thụ thông tin hạn hán trước từ đó. Tại Brazil, thời tiết các vùng phía nam đang có rất nhiều lo ngại. Bang Rio Grande do Sul vẫn ở trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất và chất lượng ngô tại bang này. Trong khi đó, bang Parana – bang có sản lượng ngô lớn thứ 2 tại Brazil, cũng đang ở trong giai đoạn thiếu mưa và có thể sẽ làm giảm các dự báo sản lượng trong thời gian tới.

Tại thị trường Việt Nam, các thông tin cho thấy các buyers đang không muốn mua nhiều ngô tại thời điểm này, mà sẽ chờ đợi giá các tháng gần về vùng 200 USD/tấn và các hợp đồng tháng xa giảm về vùng 190 USD/tấn (miền bắc), rồi mới tiến hành mua hàng. Điều này sẽ làm hạn chế lực mua của thị trường trong vài phiên tới.

 Dự đoán ngô tháng 5: Giá có thể sẽ đóng cửa ít thay đổi trong ngày hôm nay; canh hồi lên bán xuống.

 

Lúa mỳ là mặt hàng giảm điểm nhiều nhất trên sàn CBOT trong phiên hôm qua và đang tiếp tục giảm thêm trong sáng nay. Dollar Index tăng trở lại tạo áp lực lên giá lúa mỳ nhiều hơn so với các mặt hàng khác, bởi trong giỏ tiền tệ chính, Dollar Úc, Dollar Canada và Euro đều là những vùng xuất khẩu lúa mỳ cạnh tranh so với Mỹ. Đồng Dollar tăng giá trở lại sẽ khiến xuất khẩu lúa mỳ Mỹ đã chậm, nay sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Báo cáo của France Agri Mer có tháng thứ 6 liên tiếp tăng dự báo xuất khẩu lúa mỳ Pháp ra ngoài khối EU, và là mức cao nhất trong vòng 9 năm, cho thấy xuất khẩu lúa mỳ Mỹ sẽ gặp nhiều cạnh tranh trong thời gian tới.

Về thời tiết, những cơn mưa tốt hơn tại cả Mỹ và châu Âu sẽ giúp chất lượng các mùa vụ lúa mỳ không bị giảm nhiều như những lo ngại trước đó. Tuy nhiên, nhìn chung mùa vụ lúa mỳ năm nay tại Mỹ và các nước EU-28 đều không tốt như năm ngoái và thấp hơn nhiều so với các kỳ vọng ban đầu. Vì thế, Giaodich24 vẫn đánh giá thị trường lúa mỳ sẽ ở trong xu hướng tăng trong thời gian tới và giá sẽ khó có thể giảm dưới mức hỗ trợ tâm lý 500 trong khoảng thời gian này).

 Dự đoán lúa mỳ tháng 5: Giá có thể giảm điểm trong hôm nay, nhưng sẽ được hỗ trợ ở mức tâm lý và kỹ thuật 500 trong thời gian tới. Khi giảm sát về 500, rất có thể sẽ xuất hiện nhiều lực chốt lời và bắt đáy, có thể khiến giá tăng trở lại. (Trường hợp thủng 500 có thể về được 490 – Giao dịch 24 không đánh giá cao khả năng này).

Giaodich24