Trung Quốc đã giảm tốc độ mua hàng hóa của Mỹ trong tháng 8, khiến tiến độ đạt được các mục tiêu của thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới bị chậm lại.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Cơ quan Hải quan, tổng giá trị hàng hóa từ Mỹ mà Trung Quốc mua đã giảm so với tháng trước, dẫn đến sự sụt giảm của các sản phẩm năng lượng. Tính đến cuối tháng 8, Trung Quốc đã mua khoảng 32.8% so với mục tiêu cả năm là hơn 170 tỷ USD. Điều này có nghĩa nước này phải mua khoảng 115 tỷ USD hàng hóa trong 4 tháng cuối năm để tuân thủ thỏa thuận đã ký hồi tháng Một.

Trong tháng 8, tổng giá trị các sản phẩm năng lượng Trung Quốc mua đã giảm 24% so với tháng trước và đạt khoảng 14% mục tiêu cả năm. Trong khi nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Hoa Kỳ giảm đáng kể so với mức cao kỉ lục trong tháng 7, con số này có khả năng tăng lên trong những tháng sắp tới, trước khi họ xem xét thỏa thuận thương mại.

Giá dầu thô kỳ hạn đã kết thúc cao hơn vào thứ Hai, nhưng lo ngại rằng sự gia tăng các trường hợp coronavirus trên toàn cầu sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng yếu hơn đã tăng lên trong ngày hôm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, số người chết do virus Covid-19 trên toàn thế giới đã đạt mức 1 triệu. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên với tốc độ trung bình là 5,000 người/ngày, với ước tính 1/5 số người thiệt mạng là người Mỹ, bất chấp sự giàu có và nguồn lực y tế của họ.

Tuy nhiên, giá Dầu có thể được hỗ trợ từ khả năng xảy ra một cuộc đình công dẫn đến gián đoạn sản xuất tại Na Uy. Hiệp hội dầu khí Na Uy cho biết họ có kế hoạch dừng 22% hoạt động sản xuất Dầu và Khí đốt tự nhiên, tương đương 900,000 thùng/ngày, nếu như công nhân đình công.

Tốc độ giao dịch trên thị trường hàng hóa ngày hôm nay đã tăng lên mạnh khi đảng Dân chủ Mỹ công bố dự luật cứu trợ trị giá 2.2 nghìn tỷ USD. Nếu điều này thực sự xảy ra, nhu cầu năng lượng của Mỹ sẽ được thúc đẩy rất mạnh vào thời điểm quan trọng này, và có thể sẽ đưa giá dầu trở về mức giá cao hơn, như mức giá trong những tháng trước.

Trong tháng 8, Dầu thô WTI và Brent đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 do sự lạc quan về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu và các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới đều tuân thủ chặt chẽ các cam kết cắt giảm nguồn cung, nhưng sau đó đã giảm khoảng 3 USD/thùng do lo ngại về nhu cầu năng lượng.

Về phía nguồn cung, các nhà đầu tư đang tập trung vào cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan trong khu vực Nagorno-Karabakh. Azerbaijan là nhà sản xuất năng lượng lớn thứ 24 trên thế giới và có các đường ống quan trọng trong việc vận chuyển Dầu và Khí đốt đến các thị trường toàn cầu. Các nhà phân tích cho biết, nếu xung đột leo thang, nó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu Dầu và Khí đốt từ Azerbaijan.

Nguồn: mxvnews.com