Phố Wall đồng loạt tăng điểm. Cụ thể Dow Jones tăng 1.6% S&P 500 tăng 1.23% và Nasdaq tăng 0.42%.

Cả 3 chỉ số vừa có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Thị trường tuần này dự báo có biến động về ngắn hạn và những thay đổi dài hạn về chính sách liên quan đến thuế, chi tiêu công, thương mại và quy định. Các diễn biến về dài hạn phụ thuộc ai là người thắng cử, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.

Biden đang dẫn trước Trump trong các kết quả thăm dò trên toàn Mỹ nhưng chênh lệch tại những bang chiến địa lại rất sít sao, có thể giúp ứng viên Cộng hòa đảo ngược tình thế. Giới phân tích cho biết kết quả dễ khiến Phố Wall rung lắc trong ngắn hạn là không có ai chiến thắng áp đảo trong đêm 3/11.

Dow Jones và S&P 500 tăng điểm nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với đỉnh trong phiên 2/11, Nasdaq có lúc giảm do nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chưa hoàn toàn lấy lại đà tăng sau tuần trước.

Nhóm cổ phiếu tăng trưởng tăng giá 0,54% nhưng vẫn kém hơn nhóm giá trị – thường sinh lời tốt hơn khi kinh tế thoát suy thoái. Chỉ số Russell 100 giá trị tăng 1,92%, mạnh nhất trong gần 5 tháng.

“Khó có thể nói liệu đây là sự luân chuyển lĩnh vực, một diễn biến do nhà đầu tư tổ chức hay nhà đầu tư cá nhân đang đầu cơ vào chuyện có thể xảy ra ngày 3/11”, Peter Giacchi, giám đốc sàn giao dịch DMM tại Citadel Securities, New York, nói.

“Tình hình này càng kéo dài, biến động dự báo càng cao”.

Nhà đầu tư đang đặt cược vào một chính quyền Biden – sẽ mang đến gói hỗ trợ tài chính khổng lồ và thúc đẩy năng lượng xanh.

Trong khi đó, JPMorgan đưa cổ phiếu Bank of America, Wells Fargo, Citigroup vào “rổ Trump”. S&P 500 ngân hàng tăng 2,27%. Lĩnh vực năng lượng, vật liệu và công nghiệp tăng mạnh nhất, đều hơn 2,7%.

Chỉ số CBOE VIX đo sự sợ hãi trên Phố Wall giảm sau khi lên gần đỉnh 4 tháng tuần trước.

Nhà đầu tư còn chờ đợi cuộc họp chính sách hai ngày của Fed, báo cáo việc làm hàng tháng và lợi nhuận quý III của các công ty trong S&P 500.

Giá vàng thế giới tăng nhờ những bất ổn liên quan bầu cử Mỹ và diễn biến Covid-19 trên thế giới.

Dollar Index tiếp tục tăng 0.02%, đánh dấu phiên tăng thứ 6 liên tiếp.

Đồng Real Brazil giảm nhẹ 0.04% sau khi giảm 0.60% trong phiên đầu tuần.

Giá dầu thô WTI tăng 2.9%, giá dầu thô Brent tăng 2.7%.

Giá cả hai loại dầu đều giảm hơn 2 USD trong đầu phiên nhưng phục hồi nhờ số liệu sản xuất tích cực tại châu Á và Mỹ. Hoạt động sản xuất của Mỹ tăng vượt kỳ vọng trong tháng 10, số đơn hàng mới lên cao nhất gần 17 năm.

Thị trường dầu đang chịu áp lực do lo ngại lực cầu suy giảm khi nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu tái phong tỏa để ứng phó Covid-19. Số ca nhiễm mới Covid-19 gần đây cũng cao kỷ lục tại Mỹ.

“Những lo ngại về cung và cầu dầu… sẽ chỉ có vai trò thứ hai so với bầu cử tổng thống Mỹ và cách thị trường phản ứng với kết quả”, nhà phân tích Harry Tchilinguirian của BNP Paribas nói.

Các công ty dầu toàn cầu và giới phân tích dự báo lực cầu tiếp tục giảm vì Covid-19. Vitol nhận định lực cầu năng lượng mùa đông sẽ là 96 triệu thùng/ngày. Con số Trafigura đưa ra là 92 triệu thùng/ngày hoặc thấp hơn.

Rystad cho rằng lực cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2028 thay vì 2030 và phục hồi chậm hơn trong năm 2021.

Sản lượng từ OPEC tăng tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10. OPEC và đồng minh, tức OPEC+, đang giảm sản lượng khoảng 7,7 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. OPEC+ dự kiến họp vào ngày 30/11 và 1/12. Giới phân tích dự đoán OPEC+ sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1.

Trong khi đó, sản lượng từ Libya đang là 800.000 thùng/ngày, tăng 100.000 thùng/ngày so với vài ngày trước.