Kết thúc tuần giao dịch 05/04 – 11/04, giá ngô và lúa mỳ đồng loạt tăng mạnh nhờ tác động tích cực từ báo cáo Cung – cầu Nông sản thế giới tháng 4 (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Trong khi đó, nhóm sản phẩm đậu tương không bị ảnh hưởng nhiều bởi báo cáo này, và khô đậu tương là mặt hàng duy nhất giảm điểm trong nhóm nông sản do áp lực trái chiều với giá dầu đậu tương.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5 có tuần đi ngang thứ 2 liên tiếp khi chỉ tăng duy nhất 1 cents. Biên độ dao động chỉ nằm trong khoảng 1430 – 1400 khi các thông tin cơ bản tác động khá cân bằng.

USDA nâng dự báo sản lượng đậu tương của Brazil lên mức 136 triệu tấn, cao hơn đến 2 triệu tấn so với báo cáo tháng trướ. Số liệu này được củng cố bằng dự báo sản lượng tăng 0.3% so với báo cáo tháng 3 của Cơ quan Cung ứng mùa vụ Quốc gia Brazil (CONAB), lên mức kỷ lục 135.54 triệu tấn, đã gây sức ép lên giá đậu tương. Bên cạnh đấy, việc tồn kho đậu tương Mỹ 20/21 không giảm như dự đoán của thị trường cũng tác động “bearish” đến tâm lý của giới đầu cơ.

Mặc dù vậy, mức tồn kho 120 triệu giạ vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây với đậu tương Mỹ, và việc không có thêm thông tin tiêu cực nào về dịch tả lợn châu Phi trong tuần vừa rồi tại Trung Quốc, giúp cho giá sẽ khó giảm sâu về dưới mức 1400.

Về mặt kỹ thuật, giá đậu tương vẫn đang được hỗ trợ mạnh ở đường MA50 và vùng mây kumo của chỉ báo Ichimoku. Nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục giằng co với biên độ 10 cents quanh mức 1400 trong đầu tuần này để chờ các thông tin mới.

Giá khô đậu tương kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tuần giảm hơn 2%, xóa đi toàn bộ mức tăng trong tuần trước đó. Diễn biến của giá đậu tương vẫn sẽ quyết định chính đến xu hướng của khô đậu tương trong tuần với, với khả năng cao cũng sẽ giằng co với biên độ 5 USD quanh mức hỗ trợ tâm lý quan trọng 1400.

Bất chấp xu hướng giảm của giá dầu thô, nhu cầu với dầu thực vật khi một số nước châu Âu dần nới lỏng lệnh phong tỏa đã hỗ trợ tích cực cho giá dầu cọ và dầu đậu tương. Tuy nhiên, giá cả 2 mặt hàng này đều đang giảm mạnh trong sáng nay do dự đoán về số liệu tồn kho dầu cọ Malaysia được dự báo sẽ tăng 1-2% trong báo cáo tháng 3 của Ùy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB). Giá có thể test lại mức hỗ trợ 52 cents trong hôm nay, nhưng sẽ khó giảm sâu nếu đậu tương chưa giảm mạnh.

Giá ngô kỳ hạn tháng 5 tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, với mức tăng khá mạnh 3.13%. Tác động rõ rệt nhất đến giá ngô không gì khác ngoài các số liệu về tồn kho ngô Mỹ niên vụ 20/21, khi mà USDA giảm mạnh dự báo về mức 1352 triệu giạ, thấp hơn cả mức dự đoán 1396 trước đó của thị trường. Mặc dù vậy con số này không quá bất ngờ, khi giới phân tích ít nhiều đều đã dự đoán được trước đó, vì thế nên tác động tích cực sẽ không kéo dài như các báo cáo WASDE trước đây.

Về mặt kỹ thuật, giá ngô đóng cửa phiên thứ Sáu bằng một cây nến Shooting star trong một xu hướng tăng, và giá vượt lên cạnh trên của dải Bollinger, cho thấy xác suất cao về việc giá có thể khó tiếp tục tăng trong hôm nay. Giá ngô có thể dao động với biên độ khoảng 3 cents quanh vùng giá 580 để chờ thêm các thông tin mới.

Giá lúa mỳ kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tuần trước với mức tăng mạnh 4.54%, chấm dứt chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp trước đó. Mặc dù USDA tăng dự báo tồn kho lúa mỳ Mỹ 20/21, nhưng tồn kho thế giới bất ngờ bị giảm dự báo về mức 295.5 triệu tấn, thấp hơn cả khoảng dự đoán của thị trường đã giúp hỗ trợ rất mạnh cho giá lúa mỳ.

Sang đến tuần này, giá lúa mỳ đang giảm mạnh ngay trong sáng nay khi dự báo thời tiết cho thấy các vùng gieo trồng chính ở Bắc bán cầu đều sẽ nhận được đủ lượng mưa cần thiết trong tuần này. Mặc dù vậy, lượng mưa trên chưa thể đảo ngược việc khô hạn kéo dài ở các vùng gieo trồng lúa mỳ vụ xuân, vì thế giá có thể sẽ dao động với vùng giá 630 – 640 trong đầu tuần này.

Về mặt kỹ thuật, lực hỗ trợ ở đường Kijun của chỉ báo Ichimoku tại mức giá 628 là khá mạnh, cũng sẽ giúp giá lúa mỳ khó giảm sâu được ở thời điểm này.

Nguồn: mxvnews.com