Các chuyên gia phân tích tại Rabobank cho biết, giá đậu tương kỳ hạn được giao dịch trên sàn Chicago có thể đạt mức cao nhất trong sáu năm là 15.00 USD/giạ vào năm tới. Khả năng cắt giảm sản lượng ở các khu vực gieo trồng tại Nam Mỹ cộng thêm việc nguồn cung tại Mỹ đang trở nên cạn kiệt có thể sẽ khiến giá tăng mạnh và hạn chế nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đầu tuần này, giá đậu tương đã chạm mức cao nhất trong 4 năm ở mức 12.00 USD/giạ do lo ngại về thời tiết khô hạn sẽ hạn chế năng suất của đậu tương niên vụ mới tại Brazil và Argentina, trong khi dự trữ cuối kỳ 2020/21 của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm 190 triệu giạ (~5.2 triệu tấn).

Trong một kịch bản hỗ trợ giá đậu tương trong năm tới, mô hình thời tiết La Nina sẽ khiến cho sản lượng tại Nam Mỹ bị cắt giảm, khiến cho các nước quay sang nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, điều này có thể sẽ khiến tồn kho đậu tương cuối vụ tại Mỹ giảm xuống thấp hơn mức 100 triệu giạ và giá sẽ tăng lên 15.00 USD/giạ.

Với mức giá cao này, Trung Quốc có thể sẽ phải cắt giảm đáng kể lượng đậu tương và khô đậu tương nhập khẩu, trong khi đó, đây cũng là tín hiệu thúc đẩy nông dân tại Mỹ tăng diện tích gieo trồng đậu tương niên vụ tới.

Mô hình thời tiết La Nina dự kiến ​​sẽ đạt cao điểm vào khoảng tháng 12 và tháng 1 với các điều kiện của yếu hơn so với cùng thời điểm năm 2010. Rabobank cho biết giá đậu tương trên sàn CBOT sẽ tiếp tục giữ ở mức 12.20 USD/giạ cho đến hết nửa đầu năm 2021 do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ổn định ở mức cao trong nỗ lực tái đàn lợn sau dịch tả Châu Phi.