Tiêu thụ-sản lượng dầu thế giới

Từ dữ liệu từ Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn tháng 5 của EIA, có thể thấy nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới vẫn đang trên đà tăng trong ngắn hạn và cả nhu cầu lẫn nguồn cung sẽ quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19 trong năm sau. Tuy nhiên, có 1 xu hướng đáng chú ý, đó chính là sản lượng và tiêu thụ sẽ tiến triển chặt chẽ với nhau và giữ cho tồn kho ở mức cân bằng. OPEC+ chiếm đến hơn 40% nguồn cung dầu thế giới, do đó kịch bản này chỉ có thể đạt được nếu OPEC+ với Saudi Arabia với vai trò dẫn đầu sẽ tiếp tục giữ vững các thỏa thuận trong khối để kiểm soát nguồn cung để hỗ trợ giá. Tuy nhiên, thực tế thì điều này sẽ khó xảy ra: Trước khi đại dịch xảy ra, cả 2 thành viên quan trọng là Iran và Nga đều có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô để gia tăng nguồn thu nhập trước khi nhu cầu dầu thế giới bắt đầu suy thoái. Ngoài ra, kinh tế các nước này không phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ dầu như Saudi, do đó việc giữ kỷ luật hạn ngạch nhóm sẽ không phải vấn đề dễ dàng. Do đó, độ tuân thủ của OPEC+ là vấn đề cần quan tâm nhất sau mỗi cuộc họp hàng tháng.

 

Tính hợp lý của giá hiện tại

 

Trước đại dịch, lần cuối giá Brent đạt 70 USD/ thùng là tháng 5/2019. So với thời điểm đấy, sản lượng và tiêu thụ trong tháng 5/2021 vừa qua đều ở mức thấp hơn. Trong khi đó nguồn cung vẫn có thể tiếp tục gia tăng. Công suất của OPEC+ vẫn đang thấp hơn khoảng 6 triệu thùng/ngày so với mức đại dịch, điều này sẽ hấp dẫn không chỉ Nga mà cả các nước ngoài khu vực tranh thủ gia tăng sản lượng: Báo cáo Thị trường dầu tháng 5 của IEA cho thấy nước này đã tăng sản lượng lên 330,000 thùng/ngày. Do đó có thể thấy giá dầu hiện tại phản ứng tâm lý lạc quan của thị trường nhiều hơn cán cân thực tế. Giá tăng ngay cả khi chưa có các bằng chứng đủ mạnh trong thực tế để đẩy giá dầu vượt ngưỡng trước đại dịch, chủ yếu nhờ dự báo của các tổ chức lớn. Nếu thời gian tới các báo cáo không đưa ra các dự báo tốt hơn, giá có thể sẽ điều chỉnh giảm.

 

Tính đầu cơ đang tăng lên trên thị trường dầu

Nhìn vào sự gia tăng các hợp đồng quyền chọn cho mức giá dầu 100 USD/thùng đáo hạn 12/2020, có thể thấy các quỹ đang tập trung vào mức biến động nhiều hơn là dự đoán cung-cầu thực tế. Theo Wall Street Journal, số hợp đồng quyền chọn đáo hạn 12/2022 với mức giá thực hiện 100 USD/thùng đang là 60,000, tương đương 60 triệu thùng dầu thô. Trong khi đó, lần cuối cùng giá dầu đạt mức đấy là năm 2014, tuy nhiên giá đã giảm ngay sau đó do gia tăng sản lượng đến từ ngành công nghệ dầu đá phiến của Mỹ. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ tác động của đại dịch COVID-19 và các tập đoàn năng lượng gia tăng đầu tư vào các nguồn nhiên liệu “sạch”, gần như chắc chắn cán cân cung-cầu dầu thô sẽ không quay về thời điểm đấy. Các hợp đồng quyền chọn đang tập trung vào yếu tố đầu cơ dựa trên các biến động của giá chứ không phải triển vọng thực sự của thị trường.

 

 

 

Nguồn: mxvnews.com