Dầu thô Brent giao sau tăng 86 cent, tương đương 1%, ở mức 84,86 USD/thùng, sau khi đã có lúc đạt mức cao nhất vào cùng phiên là trên 85 USD/thùng, đạt mức tăng hàng tuần 3%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 97 cent, tương đương 1,2% lên 82,28 USD/thùng, tăng 3,5% trong tuần.
Nhu cầu đã tăng lên nhờ sự phục hồi từ đại dịch COVID-19, với sự thúc đẩy hơn nữa từ các nhà máy phát điện, những người đã chuyển từ khí đốt và than sang nhiên liệu dầu và diesel.
Yếu tố hỗ trợ giá dầu trong phiên này là việc Nhà Trắng cho biết họ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại COVID-19 đối với các công dân nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ có hiệu lực từ ngày 8 tháng 11, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay.
Trong khi đó, sự sụt giảm mạnh trong kho dự trữ dầu tại Mỹ và các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế được cho là sẽ khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA cho biết sẽ cần một số sự kiện đồng thời xảy ra để làm trật nhịp đà tăng giá dầu hiện tại. Chúng bao gồm OPEC + bất ngờ tăng sản lượng, thời tiết ấm áp ở Bắc Bán cầu và nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khai thác nguồn dự trữ dầu chiến lược.
Các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ sáu liên tiếp khi giá dầu thô tăng cao đã thúc đẩy các nhà khoan quay trở lại.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co BKR.N cho biết số lượng giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng 10 lên 543 trong tuần tính đến ngày 15 tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế hôm thứ Năm cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thêm 500.000 thùng mỗi ngày (bpd).
 

Nguồn: VITIC/Reuters