Giá dầu giảm phiên thứ 4 – chuỗi giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 3 sau một loạt các thông tin tiêu cực từ các nền kinh tế lớn. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.04% xuống 66.59 USD/thùng, giá Brent giảm 0.69% xuống 69.03 USD/thùng.

Số ca COVID-19 gia tăng cùng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang dần gây áp lực cho các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Số liệu tuần này cho thấy doanh số bán lẻ tại cả Mỹ và Trung Quốc đều giảm khi chính phủ rút dần các trợ cấp cho người dân và kiểm soát cung tiền trong khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng. Trong khi đó, GDP quý II của Nhật Bản chỉ tăng 1.3%, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác trong cùng giai đoạn, nguyên nhân là tình trạng khẩn cấp kéo dài gây khó khăn cho cả sản xuất lẫn tiêu thụ. Mặc dù quá trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tăng tốc trở lại sau khi giảm tốc tại hầu hết các quốc gia trong tháng 7, tuy nhiên sẽ cần ít nhất 4 tuần để tiêm liều thứ 2, và đợi thêm 2 tuần nữa mới được xem là có miễn dịch đầy đủ (trường hợp sử dụng Pfizer/BioNTech). Như vậy nhanh nhất đến cuối tháng 9 – đầu tháng 10 mới có thể kỳ vọng tình hình lao động, sản xuất lấy lại đà phục hồi.

Theo chỉ số Bất ngờ Kinh tế của Ngân hàng Citibank (Surprise Economic Index), tính đến đầu tháng 8, ngoại từ châu Âu vẫn duy trì đà tăng kinh tế tương đối, các nước khác đều đã hạ nhiệt.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) tổng hợp

Hồng Hoa

 

Nguồn: Mxv