Trong tuần vừa qua, giá các mặt hàng dầu thô đã có những biến động phức tạp khi giá Dầu WTI đóng cửa giảm 0.25% xuống chỉ còn 40.55 USD/thùng trong khi dầu Brent lại tăng 1.03% lên 43.24 USD/thùng. Dầu WTI suy yếu hơn dầu Brent trong tuần vừa qua do các yếu tố bất lợi gây áp lực lên giá Dầu thô trong tuần chủ yếu đến từ thị trường Mỹ.

Bất chấp những kỳ vọng của thị trường về việc tồn kho Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong tuần kết thúc ngày 03/07, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA lại cho thấy tồn kho Dầu thô thương mại Mỹ bất ngờ tăng 5.6 triệu thùng. Thêm vào đó, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại Mỹ với số lượng ca nhiễm mới liên tục tăng, khiến cho nhiều bang tại Mỹ đứng trước nguy cơ sẽ phải đóng cửa trở lại. Thông tin này làm cho những hi vọng về nhu cầu nhiên liệu đang có dấu hiệu phục hồi bị dập tắt và làm cho giá Dầu thô giảm mạnh hơn 3% trong phiên thứ Năm.

Mặt khác, báo cáo định kỳ hằng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế lại có những dấu hiệu tích cực hơn. IEA nâng dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2020 lên thêm 400,000 thùng, cho thấy sự phục hồi của nhu cầu dầu khi nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại. Thêm vào đó, số lượng giàn khoan dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm tuần thứ 10 liên tiếp xuống chỉ còn 183 giàn hoạt động, tính đến thứ Sáu tuần trước. Những thông tin này đã giúp giá dầu phục hồi lại trong phiên cuối tuần nhưng không đủ để giá Dầu WTI có thể đóng cửa với sắc xanh trong tuần.

Sang tuần, thị trường sẽ tập trung sự chú ý vào cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của nhóm OPEC+ và những quyết định mà nhóm này sẽ đưa ra trong cuộc họp. Cho đến nay, những nhận định của giới phân tích đều cho rằng, OPEC+ sẽ nới lỏng việc cắt giảm sản lượng trong tháng 8 tới, đồng nghĩa với hạn mức cắt giảm sản lượng sẽ còn 7.7 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Tuy nhiên con số này chưa tính đến phần cắt giảm bù của một số nước như Iraq hay Kazakhstan trong quý 3 năm nay.

Tải bản tin Năng lượng tại đây.

Tin MXV