Mặc dù chưa có hoạt động khai thác bauxite nào ở quốc gia Tây Phi này bị ảnh hưởng, song sự kiện này diễn ra trong bối cảnh thị trường nhôm vốn đang căng thẳng do thiếu hụt nguồn cung khiến người tiêu dùng kim loại này càng thêm lo lắng.
Guinea là quốc gia sản xuất nguyên liệu nhôm lớn thứ 2 thế giới, còn Trung Quốc là thị trường tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới. Guinea và Australia là những nhà cung cấp bauxite hàng đầu cho Trung Quốc.
Bauxite là quặng dùng để tinh chế thành alumina, một chất được sử dụng trong sản xuất kim loại nhôm.
Giá bauxite Guinea giao tới Trung Quốc ngày 6/9 theo thông tin từ Asian Metal là 50,5 USD/tấn, tăng 1% so với phiên liền trước (thứ Sáu, ngày 3/9) và là mức cao nhất kể từ ngày 16/3/2020. Từ đầu năm đến nay, giá đã tăng khoảng 16%.
Việc Tổng thống Guinea, Alpha Conde, bị một đơn vị quân đội lật đổ hôm Chủ nhật (5/9) đã làm kéo dài đợt tăng giá nhôm thế giới – đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ, khiến cổ phiếu của các nhà sản xuất nhôm như Norsk Hydro và Rusal tăng vọt.
Mặc dù vậy, tình trạng bất ổn về chính trị chưa ảnh hưởng ngay đến hoạt động khai thác bauxite – ngành kinh tế trọng điểm của Guinea, nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.
Guinea sản xuất 88 triệu tấn bauxite trong năm 2020, theo số liệu thống kê của Bộ Mỏ địa chất nước này. Trong khi đó, Bloomberg đưa tin năm 2020 Guinea bán khoảng 8,24 triệu tấn bauxite ra thế giới, phần lớn sang Trung Quốc.
Chuyên gia về bauxite của Guinea, Bob Adam, cho biết: “Rất khó có khả năng cuộc đảo chính sẽ gây ra bất kỳ tác động ngắn hạn lớn nào đến xuất khẩu, vốn luôn thấp điểm vào tháng 9 hàng năm, khi các kho dự trữ cạn kiệt sau mùa mưa”.
Theo ông Adam: “Bất kỳ chính phủ nào sắp tới cũng sẽ muốn đảm bảo rằng điều đó không gây tổn thất cho thu nhập và đầu tư trong tương lai”
Lãnh đạo cuộc đảo chính này, Mamady Doumbouya, hôm thứ Hai (6/9) cho biết lệnh giới nghiêm áp đặt tại các khu vực khai thác đã được dỡ bỏ.
Hãng sản xuất bauxite hàng đầu của Guinea, Société Minière de Boké (SMB) hiện vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề này, và cũng không trả lời phỏng vấn của giới truyền thông.
Người phát ngôn của Aluminium Corp of China Ltd (Chalco), nhà sản xuất alumina lớn nhất thế giới, cho biết hoạt động kinh doanh bauxite của họ ở Guinea đang hoạt động bình thường.
TOP International Holding, công ty Singapore sở hữu hai mỏ bauxite ở Guinea, cho biết các hoạt động đang diễn ra "với sự gián đoạn tối thiểu" và tình hình tại các điểm mỏ ở Boke và Boffa đã ổn định trở lại.
Người phát ngôn của Compagnie des Bauxites de Guinée (CBG) cho biết các mỏ của họ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn.
Rusal, công ty sở hữu Compagnie des Bauxites de Kindia (CBK) ở Guinea, cũng chưa trả lời các câu hỏi về việc liệu các hoạt động của họ có bị gián đoạn hay không.
Công ty AngloGold Ashanti cho biết mỏ vàng Siguiri của họ ở Guinea đang hoạt động bình thường. "Chúng tôi đang theo dõi tình hình và liên hệ chặt chẽ với ban lãnh đạo mỏ của chúng tôi ở Guinea, nơi đang hoạt động bình thường", hãng khai thác vàng cho biết trong một thông báo. Siguiri đã sản xuất 117.000 ounce vàng trong sáu tháng đầu năm nay.
Cuộc đảo chính ở Guinea cũng làm dấy lên lo ngại về tương lai của nhiều dự án khai thác quặng sắt tại nước này.
Eric Humphery-Smith, nhà phân tích về châu Phi tại Verisk Maplecroft cho biết: “Các thợ mỏ giờ đây không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi yên và chờ đợi tình hình rõ ràng hơn, xem nhà lãnh đạo lâm thời sẽ đưa ra những động thái nào”.
Rio Tinto, công ty đang phát triển một phần trong dự án quặng sắt khổng lồ của Guinea cùng với Chinalco, mỏ Simandou, từ chối bình luận về việc cuộc đảo chính có thể ảnh hưởng như thế nào đến các kế hoạch sản xuất của họ.
Andrew Gadd, nhà phân tích thép cấp cao thuộc CRU Group, cho biết: "Việc tìm nguồn tài chính cho Simandou có vẻ rất khó khăn và có nhiều yếu tố thiếu chắc chắn do những diễn biến hiện tại gây lo ngại cho các đối tác quan tâm tới dự án”.
Tuy nhiên, Guy de Sellier, chủ tịch của Société des Mines de Fer de Guinée (SMFG) - đang phát triển dự án quặng sắt Nimba, cho biết: "Bất kể ai cầm quyền, họ sẽ muốn dự án này được thực hiện vì nó tốt cho đất nước . "
De Sellier cho biết SMFG có bảo hiểm rủi ro chính trị thông qua Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương của Ngân hàng Thế giới.
Trong một thập niên ông Conde lãnh đạo, kinh tế Guinea tăng trưởng bền vững nhờ vào nguồn khoáng sản phong phú như bauxite, quặng sắt, vàng, kim cương.

Nguồn: VITIC/Reuters