Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh trong tháng 6/2021 do người dân tại Bắc Mỹ và châu Âu gia tăng hoạt động. Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo chiều giảm vào tháng 7 và tháng 8/2021 khi biến chủng Delta lây lan mạnh, làm gián đoạn hoạt động tại các nước Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác ở châu Á.
Nhật Bản: Theo Kpler, nhập khẩu dầu thô vào Nhật Bản trong tháng 8 ước đạt 3,36 triệu thùng/ngày, tăng so với 2,56 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2021.
Cũng giống như Ấn Độ, Nhật Bản đang chật vật chống lại đại dịch Covid-19, nhưng các nhà máy lọc dầu nước này thường tăng cường mua nguyên liệu kể từ tháng 8 để đảm bảo đủ các sản phẩm tinh chế, như dầu hỏa, được sử dụng rộng rãi làm nhiên liệu sưởi ấm cho mùa đông.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tăng mạnh 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2021 so với tháng 5/2020, sau khi tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng liền kề trước đó. Nhu cầu dầu mỏ tăng chủ yếu là dầu diesel ô tô và xăng, do các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, tỷ lệ tiêm vaccine tăng và các ca nhiễm Covid-19 giảm.
Nhu cầu xăng dầu tăng trưởng trong quý II/2021, tuy nhiên vẫn chưa hồi phục so với mức trước dịch Covid-19.
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc trong tháng 6/2021 tăng 0,4 triệu thùng/ngày so với tháng 6/2020. Nhu cầu xăng dầu tăng trưởng được góp phần bởi nhiên liệu bay và xăng.
Nhu cầu tiêu nhiên liệu máy bay trong tháng 6/2021 tăng 0,10 triệu thùng/ngày so với tháng 6/2020. Dữ liệu hàng không cho thấy gia tăng các chuyến bay nội địa.
Doanh số bán ôtô giảm 14% trong tháng 6/2021 so với tháng 6/2020 theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô. Nhu cầu dầu diesel giảm 0,3 triệu thùng/ngày do nhu cầu công nghiệp chậm lại và chỉ số PMI sản xuất giảm.
Trung Quốc- nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã tăng nhập khẩu dầu trong tháng 7/2021 từ mức thấp nhất trong tháng 6/2021, khi các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng sau khi bảo trì. Trong tháng 7/2021, nhập khẩu 41,24 triệu tấn dầu thô, tương đương 9,71 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 40,14 triệu tấn vào tháng 6/2021 và 51,29 triệu tấn vào tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 301,83 triệu tấn, tương đương 10,39 triệu thùng/ngày, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8/2021, dự kiến nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng so với tháng 7, Kpler ước tính khoảng 10,03 triệu thùng/ngày, còn Refinitiv ước tính là 10,79 triệu thùng/ngày, tăng so với lần lượt 9,64 triệu thùng/ngày và 9,71 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.
Bắc Kinh chấn chỉnh việc lạm dụng hạn ngạch nhập khẩu kết hợp với tác động của giá dầu thô cao có thể khiến tăng trưởng nhập khẩu dầu của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ trong năm nay.
Trung Quốc trong tháng 6/2021 đã cắt giảm 35% hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ngoài quốc doanh trong năm 2021, trong đó một số nhà máy lọc dầu nhỏ không nhận được bất kỳ hạn ngạch nào.
Trong khi đó, chính quyền trung ương đã tiến hành các cuộc điều tra kể từ tháng 4 về việc buôn bán bất hợp pháp hạn ngạch nhập khẩu, một phần để giảm bớt tình trạng dư thừa nhiên liệu đã làm tổn hại đến lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu quốc doanh.
Tỉnh Sơn Đông, nơi có hầu hết các nhà máy lọc dầu độc lập đã tăng cường nỗ lực hạn chế sản xuất nhiên liệu bằng cách ra lệnh cho các nhà máy lọc dầu độc lập của mình không giao dịch hạn ngạch dầu thô.
Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã xuất khẩu 4,64 triệu tấn các sản phẩm dầu tinh luyện trong tháng 7/2021, tăng 44,5% so với tháng 7/2020, nhưng giảm 28% so với tháng trước đó. Nhập khẩu khí tự nhiên trong tháng 7/2021 đạt 9,34 triệu tấn, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Trung Quốc, nhu cầu dầu mỏ được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng trong cuối năm 2021 do hoạt động kinh tế phục hồi. Các ngành kinh tế chính được dự đoán sẽ phục hồi tích cực do các ngành giao thông vận tải, hóa dầu và công nghiệp. Ước tính nhu cầu dầu cho năm 2021 dựa trên nhu cầu xăng tăng so với cùng kỳ năm trước do sự phát triển của nền kinh tế, nhưng có thể phải đối mặt với một số thách thức khi doanh số bán xe giảm. Nhu cầu diesel cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2021, do sự phát triển trong hoạt động công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Hơn nữa, nhu cầu đối với LPG và naphtha được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng tích cực do hoạt động thương mại phát triển.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc dự đoán sẽ tăng 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng mạnh nhất, sau đó là dầu diesel.
Ấn Độ: Nhu cầu nhiên liệu tại Ấn Độ trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2021, do các biện pháp phong tỏa và hạn chế để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan được dỡ bỏ ở hầu hết các bang, qua đó thúc đẩy hoạt động công nghiệp và lưu lượng giao thông tăng.
Theo dữ liệu của Cơ quan Kế hoạch và Phân tích Dầu khí (PPAC), tiêu thụ nhiên liệu trong tháng 7/2021 ở mức 16,83 triệu tấn, tăng 2,9% so với tháng 6/2021 và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán xăng trong tháng 7/2021 tăng 16,4% lên 2,63 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,2% so với tháng 6/2021. Tiêu thụ dầu diesel, chiếm khoảng 40% doanh số bán nhiên liệu tinh chế của Ấn Độ, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 6,14 triệu tấn, nhưng giảm 1% so với tháng trước.
Ấn Độ đang trên đà xác lập kỷ lục nhập khẩu dầu trong tháng 8 nhiều nhất trong vòng 5 tháng. Theo đó, ước tính của nhà phân tích hàn hóa Kpler cho rằng quốc gia Nam Á này đã nhập khẩu trung bình 4,33 triệu thùng/ngày.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6,0 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo của tháng trước, đạt 96,6 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD trong quý I/2021 và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 ở châu Mỹ.
Trong khu vực OECD, dự đoán nhu cầu dầu năm 2021 sẽ tăng 2,6 triệu thùng/ngày so với năm 2020, giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với dự báo tháng trước, đạt 44,6 triệu thùng/ngày do nhu cầu xăng giảm do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải.
Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu năm 2021 ước tính tăng 3,4 triệu thùng/ngày so với năm 2020, tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với dự báo tháng trước, đạt 51,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nước Trung Đông và Châu Phi. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021. Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh. Phần lớn những tác động kinh tế tích cực này dự báo sẽ đạt được tăng trưởng trong cuối năm 2021.
Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái, khi hoạt động kinh tế phục hồi trên toàn cầu. Nhu cầu dầu diesel dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 2 trong bối cảnh triển vọng kinh tế được cải thiện trong năm 2021. Các sản phẩm chưng cất sẽ được hỗ trợ phần lớn bởi nhu cầu hóa dầu mạnh ở các nước Trung Quốc, Mỹ.
Ở khu vực ngoài OECD nhiên liệu cho vận tải và công nghiệp dự đoán sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, cùng với nguyên liệu hóa dầu, tập trung ở thị trường Trung Quốc.
Các khu vực khác của Châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông cũng được kỳ vọng sẽ có mức tăng khá do kinh tế đang có những triển vọng tích cực.
Rủi ro sẽ vẫn cao trong cuối năm 2021 do dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số nước và khu vực châu Á.
OPEC dự báo sang năm 2022, nhu cầu dầu thô trên thế giới tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 99,9 triệu thùng/ngày, tương đương với mức trung bình năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Nhu cầu dầu toàn cầu giảm vào tháng 7/2021, sau khi tăng 3,8 triệu thùng/ngày vào tháng 6/2021 do biến thể Delta lây lan mạnh làm gián đoạn hoạt động tại nhiều quốc gia tại châu Á. Tuy nhiên, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cuối năm 2021 vẫn tiếp tục tăng, đạt trung bình 98,8 triệu thùng/ngày trong bối cảnh nhiều nước đang dần phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Nguồn: VITIC/Opec