Phiên giảm giá này ở Trung Quốc là sự nối tiếp xu hướng giảm giá hàng hóa trên các thị trường toàn cầu suốt từ 21/1/2020 đến nay – khi nỗi lo về virus bắt đầu dấy lên. Chỉ trong vòng 2 tuần bùng phát, tính đến ngày 5/2 đã có hơn 24.000 người nhiễm virus corona biến chủng mới, trong đó 490 người tử vong.

Được biết, Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Đối với những thị trường như quặng sắt hay than đá, vai trò của Trung Quốc là rất lớn.

Các nhà phân tích cho biết ảnh hưởng của đợt virus corona lần này đối với giá hàng hóa nghiêm trọng hơn nhiều so với dịch Viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003 – cũng bắt nguồn từ Trung Quốc và làm cho gần 800 người tử vong. Thị phần nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc trên toàn cầu ở thời điểm hiện tại lớn hơn nhiều so với năm 2003, do đó ảnh hưởng tới thị trường hàng hóa thế giới cũng nhiều hơn.

So với phiên giao dịch liền trước (phiên giao dịch cuối cùng trước Tết), giá đồng trên sàn Thượng Hải trong phiên 3/1 đã giảm 7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016; thép cây thấp nhất 3 tháng, thép cuộn cán nóng thấp nhất gần 3 năm, dầu mỏ cũng lao dốc. Giá nickel, thiếc, chì và thép không gỉ đều giảm 5-6%, trong khi nhôm và kẽm giảm 4-5%.

Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt giảm 8%, than luyện cốc giảm 4%, than cốc giảm 5,9% trong khi thép không gỉ giảm 8%.

Các nông sản giao dịch trên sàn này, bao gồm dầu đậu tương, dầu cọ và trứng cũng sụt giảm khoảng 7%. Đối với những mặt hàng như dầu ăn hay dầu cọ, việc các doanh nghiệp và trường học tiếp tục đóng cửa khiến nhu cầu gần như ngừng trệ.

Chao đảo thị trường hàng hóa Trung Quốc vì virus corona - Ảnh 1.

Nhu cầu dầu và khí của Trung Quốc đã giảm mạnh do sự lây lan của virus corona khiến nhu cầu đi lại giảm theo.

Nguồn tin Bloomberg cho hay nhu cầu dầu của Trung Quốc đã giảm khoảng ba triệu thùng mỗi ngày, tương đương 20% ​​tổng lượng tiêu thụ.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sau khi vượt qua Mỹ vào năm 2016. Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong tiêu thụ đều có tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu. Đất nước này tiêu thụ khoảng 14 triệu thùng mỗi ngày, tương đương tổng nhu cầu của Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Tồn kho xăng và nhiên liệu máy bay của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang tăng lên mỗi ngày. Một số nhà máy có thể sớm đạt đến giới hạn lưu trữ. Khi ấy, họ sẽ phải cắt giảm công suất lọc dầu khoảng 15-20%. Sinopec Group, nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, đang trong quá trình giảm trung bình khoảng 13-15% lượng dầu thô lọc mỗi ngày và sẽ xem xét liệu có cần cắt giảm thêm vào ngày 9/2 hay không. Trung Quốc có đến 40 nhà máy lọc dầu độc lập. Theo dự đoán của giới thương nhân, khoảng 18 nhà máy có thể cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn.

Nhu cầu dầu giảm khiến nhiều nước xuất khẩu trên thế giới bị ảnh hưởng, với doanh số giảm và giá rơi tự do. Doanh số bán dầu của Mỹ Latinh cho Trung Quốc đã chững lại vào tuần trước, trong khi doanh số bán dầu thô Tây Phi cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc, cũng chậm hơn bình thường. Sự sụt giảm có lẽ là cú sốc nhu cầu lớn nhất mà thị trường dầu mỏ phải chịu, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, và từ sau vụ tấn công ngày 11/9. Nó có thể buộc OPEC và các đồng minh họp khẩn cấp để cắt giảm sản lượng và khắc phục đà giảm giá, vốn đang hướng tới mức thấp nhất 4 tháng.

Giống như dầu mỏ, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc cũng sụt giảm do virus corona giữa bối cảnh nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Trung Quốc tăng cao do mùa Đông năm nay không lạnh nhiều như mọi năm và kinh tế tăng trưởng chậm. Giá LNG giao ngay tại Châu Á vốn đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ. Một số hợp đồng giao dịch khí kỳ hạn tháng 2/2020 giữa Trung Quốc với các nhà cung cấp đã bị xem xét hoãn giao hàng. Các thương gia dự báo nhu cầu LNG của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ còn giảm nữa.

Điều đáng chú ý là trong khi hầu hết các mặt hàng giảm giá thì giá than nhiệt trên sàn Trịnh Châu lại tăng 2,6% vào đầu phiên giao dịch vừa qua, phản ánh mối lo ngại về nguồn cung mặt hàng này đang ở mức thấp. Than nhiệt chủ yếu dùng trong các nhà máy nhiệt điện. Việc đóng cửa các mỏ khai thác nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus có thể gây thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng này, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện không bị sụt giảm dù đang lúc dịch bệnh.

Không chỉ những hàng hóa nguyên liệu giao dịch trên sàn, các mặt hàng tiêu dùng tại Trung Quốc cũng chịu tác động mạnh.

Chỉ riêng trong ngày 1/2/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 180 triệu CNY (khoảng 117 triệu USD) sản phẩm y tế nhằm giảm bớt tình trạng thiếu cung nghiêm trọng trên thị trường này. Từ 24/1 đến 2/2/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 240 triệu sản phẩm y tế, bao gồm 220 triệu chiếc khẩu trang, 2,53 triệu bộ đồ bảo hộ và 279.000 kính bảo hộ, theo số liệu của Hải quan nước này.

Nhu cầu sữa tại Trung Quốc cũng tăng vọt. Công ty JAT cho biết doanh số bán sữa của họ ở thị trường Trung Quốc tháng 1/2020 đã tăng 745% do nhu cầu tăng đột biến vì virus corona. Công ty này cho biết, kể từ tháng 12/2019, nhu cầu sữa tại Trung Quốc tăng lên mức cao chưa từng có, nhất là đối với dòng sản phẩm sữa Neurio có chứa lactoferrin. Doanh số bán riêng dòng sản phẩm này trong tháng 1/2020 đạt 3,4 triệu USD, so với mức chỉ 407 triệu USD cùng kỳ một năm trước đó. Lactoferrin được quảng cáo là dòng sản phẩm có thể cải thiện hệ thống miễn dịch. Đơn đặt hàng cho các sản phẩm này cho tháng 2 này đã tăng gấp đôi so với năm 2019, và cho tháng 3 tới tăng 366%.

Triển vọng thị trường hàng hóa Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp và trường học sẽ tiếp tục đóng cửa đến khi nào.

Được biết, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm 1,2 nghìn tỷ CNY (173,8 tỷ USD) vào thị trường nhằm tăng tính thanh khoản từ đó hỗ trợ nền kinh tế vững vàng trước cơn ‘bão’ virus corona, và chắc chắn sẽ bổ sung thêm các biện pháp kích thích nữa.

Theo Trí thức trẻ