CBOT: Thị trường nông sản tiếp tục biến động mạnh sau báo cáo Cung cầu tháng 11

Giá tất cả các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đồng loạt tăng rất mạnh sau thời điểm USDA phát hành báo cáo Cung – cầu tháng 11. Các số liệu này đều hỗ trợ giá tăng và việc các mặt hàng đang tăng mạnh cũng không có gì bất ngờ, thậm chí đà tăng có thể còn kéo dài 1 – 2 ngày tới.

Hầu hết các diễn biến sau báo cáo của nhóm nông sản đều giống như các dự đoán trước đó của Giaodich24, với việc đà tăng của các mặt hàng sẽ đều chững lại khi lên tới các mức kháng cự quan trọng.

Đậu tương tăng mạnh hơn 3% trong ngày hôm qua, sau khi giá chỉ đi ngang trong đầu phiên sáng và bắt đầu nhích dần vào cuối phiên sàng và đầu phiên tối. Mức nhảy vọt sau báo cáo đến từ việc tồn kho cuối vụ đậu tương Mỹ bị giảm dự báo xuống còn 190 triệu giạ, so với mức 290 trong báo cáo tháng 10, do năng suất thu hoạch thấp hơn kỳ vọng. Đây là mức tồn kho thấp nhất trong các báo cáo WASDE tháng 11 kể từ năm 2013 tới nay, và khiến chỉ số giữa tồn kho và tiêu thụ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 37 năm trở lại đây. Đối với cung cầu thế giới, sản lượng đậu tương của Argentina cũng bị giảm dự báo về mức 51.0 triệu tấn, so với mức 53.5 trong báo cáo tháng 10, dẫn đến tồn kho đậu tương thế giới 20/21 thấp hơn 2 triệu tấn, cũng góp phần vào mức tăng trên. Giá đậu tương cuối phiên giảm nhẹ trở lại khi gặp mức kháng cự mạnh ở vùng giá 1150, tuy nhiên, trong bối cảnh thời tiết sắp tới bất lợi tại Nam Mỹ và nguồn cung đậu tương ngắn hạn vẫn eo hẹp trên toàn cầu, Giaodich24 vẫn cho rằng đà tăng này sẽ còn được duy trì trong thời gian tới và giá đậu tương có thể sớm lên được vùng giá 1200.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đồng loạt tăng vọt theo giá đậu tương trong phiên hôm qua. Trong đó, khô đậu tương có biên độ tăng sát với giá đậu tương nhất, do nhu cao cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn cuối năm. Do không sẵn các sản phẩm thay thế như dầu đậu tương, việc nguồn cung đậu tương eo hẹp khiến cho khô đậu tương cũng đang rất thiếu hụt, và việc giá tăng đến 12 USD ngay sau báo cáo không phải điều bất ngờ. Giá sau đó gặp lực bán mạnh tại mức kháng cự tâm lý 400, và cũng giảm nhẹ vào cuối phiên. Tuy nhiên, mức giảm này lại có tác động hỗ trợ lớn với giá dầu dậu tương, giá cho giá vượt lên được trên mức kháng cự rất mạnh 36.00. Trong bối cảnh giá dầu thế giới đều đồng loạt tăng vọt sau thông tin Mỹ điều chế thành công vaccine, và các cuộc đình công chưa hạ nhiệt ở Argentina, thì đây sẽ là tín hiệu tích cực giúp giá dầu đậu tương có thể sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.

Ngô là mặt hàng tăng mạnh nhất trong phiên hôm qua, với mức tăng gần 15 cents. Cũng giống như với đậu tương, tác động chủ yếu đến giá ngô là việc USDA giảm dự báo tồn kho ngô Mỹ niên vụ 20/21 về mức 1.7 tỉ giạ, thấp hơn nhiều so với cả khoảng dự đoán của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do mức năng suất thấp hơn kỳ vọng do ảnh hưởng của các cơn bão lớn hồi đầu tháng 8 và thời tiết không thuận lợi ở các bang trung tâm Midwest. Bên cạnh đấy, xuất khẩu ngô Mỹ còn được tăng dự báo thêm 8 triệu tấn, do nhu cầu cao từ phía Trung Quốc, đã đẩy dự báo tồn kho ngô về mức thấp nhất trong các báo cáo WASDE tháng 11 kể từ năm 2012 đến nay. Không chỉ tồn kho ngô Mỹ, tồn kho ngô thế giới 20/21 cũng giảm mạnh đến 9 triệu tấn, chủ yếu do Ukraine và EU đều bị giảm dự báo sản lượng đi lần lượt là 8 triệu tấn và 2 triệu tấn. Giá ngô kết thúc phiên vẫn giữ được mức hỗ trợ 420, cũng sẽ là tiền đề để giúp giá có thể tiếp tục hướng về mức 450 trong thời gian tới, khi mà nhu cầu ethanol nhiều khả năng sẽ mạnh trở lại khi đại dịch được kiểm soát.

Lúa mỳ cũng tăng mạnh gần 2% trong ngày hôm qua, chủ yếu nhờ tác động tích cực chung của cả thị trường nông sản. Bản thân các số liệu trong báo cáo Cung – cầu tháng này không có yếu tố nào bất ngờ với lúa mỳ, nên giá cũng duy trì mức tăng đều sau báo cáo chứ không có biến động đáng kể. Tồn kho lúa mỳ Mỹ giảm 5 triệu giạ do nhu cầu cao hơn trong việc sử dụng bột mỳ. Trong khi đó, sản lượng Nga tiếp tục được tăng dự báo lên mức 83.5 triệu tấn trong niên vụ tới, bất chấp việc thời tiết không thuận lợi trong suốt giai đoạn gieo trồng, là yếu tố khiến giá lúa mỳ chưa vượt qua được mức kháng cự 610 và bị đẩy ngược trở lại vào cuối phiên.