CBOT: Thị trường nông sản ổn định trở lại sau nhiều phiên biến động mạnh

Avatar

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT phần lớn đã ổn định trở lại trong phiên hôm qua. Mặc dù đã có những lúc thị trường rung lắc rất mạnh trong phiên, tuy nhiên đa phần các mặt hàng đều đóng cửa với các mức thay đổi dưới 1%, ngoại trừ mức giảm mạnh của dầu đậu tương.

Với việc thị trường không còn chịu tác động nhiều bởi các quỹ đầu cơ, thì các yếu tố cung cầu cơ bản sẽ là nguyên nhân chính ảnh hưởng lên giá các mặt hàng trong tuần này.

Đậu tương kết thúc phiên sáng và phiên tối đều ở quanh ngưỡng 1020, cho thấy đây là vùng giá rất quan trong tại thời điểm hiện tại. Thị trường rung lắc mạnh với khoảng biên độ lên đến 14 cents trong nửa cuối phiên sáng là điều khá ít xảy ra, nhất là trong giai đoạn không có thông tin cơ bản nào có thể tác động mạnh đến giá. Đến phiên tối, thông tin Trung Quốc cùng một quốc gia giấu tên đã mua đến 530,000 tấn đậu tương Mỹ trong báo cáo Daily Export Sale là nguyên nhân chủ yếu khiến giá tăng đến 16 cents ngay khi mở cửa. Nhưng ở chiều ngược lại, lượng mưa lớn hơn dự kiến trong tuần này tại Brazil đang giúp cho việc gieo trồng đậu tương tại Mato Grosso – bang có sản lượng đậu tương lớn nhất cả nước – được bắt đầu. Mặc dù độ ẩm đất vẫn ở mức thấp nhất trong lịch sử, tuy nhiên các dự báo trong 30 ngày tới cho thấy nhiều khả năng độ ẩm sẽ quay lại mức bình thường. Đây không những là nguyên nhân chính tạo sức ép lên giá đậu tương CBOT trong suốt khoảng thời gian còn lại của phiên tối qua, mà còn sẽ tiếp tục cản trở giá đậu tương trong thời gian tới. Tại Argentina, gieo trồng đậu tương dự kiến cũng sẽ bắt đầu trong khoảng 3 tuần nữa. Các vùng gieo trồng tại khu vực trung tâm dự báo sẽ có mưa trong 5 ngày tới, cũng sẽ cải thiện đáng kể cho độ ẩm đất tại đây trước khi vụ mới chính thức bắt đầu.

Dầu đậu tương và khô đậu tương quay trở lại diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua, do giá đậu tương không có biến động đáng kể. Giá dầu đậu tương sau khi bị đẩy về sâu dưới mức hỗ trợ 34.00, đã tăng trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường dầu thô. Tuy nhiên, áp lực về khả năng bùng phát dịch trở lại tại châu Âu đang ảnh hưởng chung đến thị trường dầu thực vật, cùng với việc vùng giá 34.00 đảo vai trò từ hỗ trợ sang kháng cự đã khiến lực bán kỹ thuật tại đây gây sức ép lớn lên giá dầu đậu tương trong suốt phiên tối qua. Nhờ việc dầu đậu suy yếu đã hỗ trợ giá khô đậu tương tăng trở lại, nhưng các mức tăng chỉ tập trung ở tháng gần và giảm đối với các hợp đồng tháng xa cho thấy ảnh hưởng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo số liệu từ BAGE, ép dầu đậu tương tại Argentina trong tháng 8 chỉ đạt 3.3 triệu tấn, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, là nguyên nhân dẫn đến nguồn cung khô đậu thiếu hụt trong ngắn hạn.

Ngô kết thúc phiên hôm qua chỉ giảm nhẹ 0.5 cents với các diễn biến giằng co mạnh quanh mức hỗ trợ – kháng cự 370. Chất lượng tốt – tuyệt vời của ngô tăng nhẹ 1% trong báo cáo Crop Progress cùng với thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vẫn là nguyên nhân chính khiến giá ngô giảm mạnh trong nửa đầu phiên sáng. Tuy nhiên nhu cầu mua hàng tăng mạnh khi một loạt các tập đoàn Hàn Quốc quay lại thị trường với tổng khối lượng mua lên đến 265,000 tấn đã hỗ trợ giá ngô tăng trở lại sau đó. USDA cũng đã bán cho Trung Quốc cùng một quốc gia giấu tên 460,000 tấn ngô trong báo cáo Daily Export Sales ngày hôm qua, là nguyên nhân khiến giá ngô vọt lên ngay khi bắt đầu phiên tối. Tổng cộng, Trung Quốc đã mua 10.1 triệu tấn ngô Mỹ của niên vụ 20/21, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu Trung Quốc có còn tiếp tục mua ngô nhiều hơn nửa trong tương lai hay không. Việc bán hàng tốt là động lực chính cho giá ngô trong phần lớn thời gian vừa rồi, do đó giá ngô sẽ khó có thế tiếp tục mạnh lên ở thời điểm hiện tại nếu tốc độ bán hàng này chững lại.

Lúa mỳ cũng có cùng diễn biến với giá ngô trong ngày hôm qua và chủ yếu dao động quanh khoảng 550 – 560 như Giaodich24 đã dự đoán trước đó. Giá bật tăng mạnh trong đầu tiên tối theo đà tăng chung của cả thị trường nông sản nhưng giảm mạnh trở lại tại mức kháng cự 565. Đây là mức kháng cự khá quan trọng đối với lúa mỳ khi giá đã 2 lần bị đẩy trở lại từ mức này trong 1 tháng trở lại đây. GASC của Ai Cập đã mua 405,000 tấn lúa mỳ của Nga trong phiên đấu giá kết thúc hôm qua với giá cao hơn gần 8 USD so với lần mua trước đó. Đây là thông tin tích cực giúp giá lúa mỳ vẫn duy trì được mức tăng nhẹ khi đóng cửa. Thời tiết tại các khu vực gieo trồng chính vẫn đang khá bất lợi. Tại Nga, đang có đến 37% diện tích gieo trồng chỉ nhận được lượng mưa dưới 50% mức trung bình trong 2 tháng trở lại đây, và đều là các vùng có sản lượng chủ yếu. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Ukraina, và nếu các khu vực này chưa có mưa trở lại thì giá lúa mỳ cũng sẽ khó có thể giảm sâu trong thời gian tới.

Giaodich24