CBOT: Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đồng loạt tăng trở lại sau khi đã giảm trong phiên đầu tuần, bất chấp việc Trung Quốc vẫn chưa tiếp tục đẩy mạnh mua hàng khi bầu cử Mỹ chưa kết thúc.

Báo cáo tiến độ mùa vụ và các dự báo mới nhất về năng suất mùa vụ năm nay từ các hãng tư vấn lớn là nguyên nhân chủ yếu hỗ trợ giá ngô và đậu tương. Trong khi đó, giá lúa mỳ dù đóng cửa hầu như không đổi nhưng vẫn rung lắc rất mạnh trong phiên

Đậu tương tăng mạnh gần 20 cents trong suốt cả phiên sáng qua, chủ yếu do tác động từ việc thu hoạch đậu tương tại Mỹ diễn ra khá chậm. Tiến độ thu hoạch với đậu tương tuần này trong báo cáo Crop Progress chỉ tăng thêm 4%, thấp hơn nhiều so với dự đoán của thị trường ở mức 8%. Trong khi đó, thông tin Brazil đang tiếp nhận một tàu hàng lên đến 38,000 tấn đậu tương của Mỹ, lớn nhất kể từ năm 2017 đến nay, cũng góp phần hỗ trợ cho mức tăng trong ngày hôm qua của giá đậu tương. Hãng tư vấn StoneX giảm nhẹ dự báo sản lượng đậu tương xuống mức 52.1 giạ/mẫu trong báo cáo mới nhất của mình, thấp hơn 0.3 giạ/mẫu so với dự đoán trước đó. Trong khi đó, hãng tư vấn IHS Markit cũng cũng dự báo sản lượng đậu tương Mỹ năm nay ở mức 4.18 tỷ giạ, thấp hơn đáng kể so với 4.29 trong báo cáo trước đó. Đây đều là thông tin “bullish” hỗ trợ giá đậu tương trong thời gian tới, cản bớt tác động từ việc thời tiết tốt lên tại miền trung Brazil. Tuy nhiên, việc thiếu đi lực mua từ Trung Quốc khi mà nước này đã không phát sinh các đơn hàng lớn nào kể từ 15/10 đến nay khiến giá đậu tương chịu sức ép bán lớn ở mức kháng cự 1070, và làm cho giá giảm trở lại vào phiên tối.

Dầu đậu tương và khô đậu tương đồng loạt tăng theo giá đậu tương trong phiên hôm qua. Tuy nhiên áp lực trái chiều khiến các mức tăng này có khoảng cách rất lớn . Giá dầu đậu tương bên cạnh sự hỗ trợ từ giá đậu tương, còn được ảnh hưởng rất tích cực từ việc giá dầu thô thế giới hồi phục mạnh từ đầu tuần đến nay. Tuy nhiên như Giaodich24 đã phân tích trước đó, nếu giá đậu tương chưa vượt lại được mức 1070 thì giá dầu đậu tương cũng rất khó vượt được mức kháng cự 34.00 ở thời điểm hiện tại do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, vì thế giá dầu đậu tương cũng chịu lực bán kỹ thuật lớn khiên giá quay đầu giảm trong phiên tối qua. Đối với khô đậu tương, mức kháng cự 380 cũng sinh ra rất nhiều lực bán và hầu như không có lực mua nào ở vùng giá này khiến giá giảm rất mạnh ngay đầu phiên tối. Nhưng nguồn cung thiếu hụt cũng khiến giá không thể giảm sâu và tăng trở lại vào cuối phiên.

Ngô đã tăng mạnh trở và đóng cửa ngay trên mức hỗ trợ tâm lý quan trọng 400. Giá ngô tăng rất mạnh trong đầu phiên sáng do ảnh hưởng từ đà tăng trước đó của giá lúa mỳ, kết hợp với tốc độ thu hoạch chậm hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường đã khiến giá ngô vượt được mức kháng cự mạnh 400. Tuy nhiên giá chỉ lình xình với biên độ hẹp trong suốt phần còn lại của ngày hôm qua quanh mức này. IHS Markit hạ dự báo sản lượng ngô Mỹ năm nay từ 14.8 tỷ giạ xuống còn 14.5 tỷ giạ trong báo cáo mới nhất, kết hợp với việc năng suất ngô cũng được StoneX giảm dự đoán đi 0.1 giạ/mẫu, là các yếu tố hỗ trợ giá, giảm bớt áp lực từ việc lúa mỳ giảm trong cuối phiên hôm qua. Thời tiết khô hạn tại Argentina và miền nam Brazil cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể đối với giá ngô trong thời gian tới, khi các nhà dự báo thời tiết cho biết cơn mưa lớn trong cuối tháng 10 vừa rồi ở các khu vực này gần như sẽ là lần cuối cùng trong suốt 3 tháng tới, do tác động tiêu cực từ hiện tượng La Nina.

Lúa mỳ tiếp tục tăng mạnh trong đầu phiên sáng qua theo đà tăng từ đầu tuần, tuy nhiên không còn thông tin nào hỗ trợ thêm cho đà tăng của lúa mỳ khiến lực mua yếu dần khi lên đến vùng giá 615. Vì thế, giá sau đó đã giảm liên tục hơn 10 cent và chỉ phục hồi nhẹ trở lại vào cuối phiến và đóng cửa hầu như không thay đổi so với phiên đầu tuần. Báo cáo Crop Progress cho thấy chất lượng lúa mỳ vụ đông tại đây tăng 2% so với tuần trước, nhờ thời tiết mưa nhiều tại khu vực đồng bằng phía nam là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa mỳ giảm trong tối qua. Bên cạnh đấy, vệc giá lúa mỳ xuất khẩu tại Nga giảm trở lại sau 4 tuần tăng liên tiếp nhờ thời tiết được cải thiện phần nào trong cuối tuần trước, cũng có tác động “bearish” đáng kể đến giá lúa mỳ CBOT do áp lực cạnh tranh.