CBOT: Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng trong phiên cuối tuần

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT. Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất tăng mạnh trong phiên hôm qua nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường dầu thô và dầu thực vật.

Trong khi đó, thời tiết thuận lợi tại các khu vực gieo trồng chính ở Nam Mỹ vẫn là yếu tố chủ yếu tạo áp lực lên giá đậu tương và ngô. Thị trường về cơ bản là thiếu thông tin, do đó các mặt hàng cũng phần nào đi theo xu hướng kỹ thuật và hoạt động của các quỹ.

Đậu tương đóng cửa chỉ giảm nhẹ 0.45% về mức 1163 cents/giạ sau khi có một phiên rung lắc khá mạnh. Giá duy trì đà tăng trong suốt phiên sáng do không có lực bán. Sau đó giá rơi rất mạnh vào cuối phiên sáng và đầu phiên tối nhờ dự báo mưa sẽ nhiều trở lại ở miền trung Brazil trong 5 ngày tới kết hợp với lực bán kỹ thuật ở mức kháng cự 1170. Tuy nhiên việc đồng Real đang ở mức cao do giá Dollar sụt giảm cũng khiến nông dân không bán quá ồ ạt, giúp cho giá tăng lại trong nửa cuối phiên tối. Có khả năng giá sẽ chỉ dao động quanh vùng 1150 – 1170 trong đầu tuần tới để chờ các số liệu từ báo cáo Cung – cầu tháng 12, sẽ phát hành vào 12h đêm tối thứ Năm tới đây.

Khô đậu tương và dầu đậu tương quay lại diễn biến trái chiều nhau. Giá dầu cọ tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần, ghi nhận tuần tăng thứ 6 trong 7 tuần gần đây, do ảnh hưởng từ mức thuế lớn mà chính phủ Indonesia mới áp lên mặt hàng này. Cộng thêm mức tăng của thị trường dầu thô thế giới đã thúc đẩy giá dầu đậu tương tăng mạnh 1.8% lên mức 38.41 cents/pound. Mức tăng mạnh của giá dầu đậu tương và việc đậu tương suy yếu đã tạo áp lực bán mạnh lên khô đậu tương khiến mặt hàng này giảm 1.15% về 385.5 USD/tấn Mỹ.

Ngô giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy trong 2 phiên trước đó. Cũng giống như với đậu tương, giá ngô giảm mạnh vào cuối phiên sáng nhờ các dự báo về thời tiết thuận lới tại Nam Mỹ. Đơn hàng gần 180,000 tấn ngô của Mỹ bán cho Mexico trong báo cáo Daily Export Sales đã giúp cản bớt đà giảm và khiến giá ngô tăng trở lại khi vào phiên tối. Nhưng giá tiếp tục rơi mạnh vào cuối phiên khi các quỹ giảm bớt trạng thái để tránh các rủi ro có thể xuất hiện trong cuối tuần. Trạng thái mua ròng của các quỹ đã giảm đến 20,000 hợp đồng trong phiên hôm qua.

Lúa mỳ tiếp tục giảm gần 10 cents trong phiên cuối tuần. Giá đã liên tục suy yếu trong phiên sáng do không có thông tin “bullish” nào hỗ trợ. Thời tiết thuận lợi cho việc thu hoạch tại Úc và Argentina, cùng với số liệu bán hàng mạnh của Nga đều là các thông tin “bearish” với giá lúa mỳ CBOT. Sang phiên tối, giá lúa mỳ chủ yếu đi theo đúng xu hướng của giá ngô và giằng co trong vùng giá 575 – 580. Việc đóng cửa ngay trên mức hỗ trợ mạnh 575 tiếp tục sẽ khiến giá lúa mỳ trở nên khá nhạy cảm với các thông tin mới trong tuần tới.