CBOT: Sắc đỏ áp đảo bảng giá các mặt hàng nông sản trong phiên đầu tuần

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, ngoại trừ mức tăng rất mạnh của khô đậu tương thì tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm nông sản trên sàn CBOT đều suy yếu.

Tâm lý chờ đợi trước báo cáo khiến cho 3 sản phẩm chính là ngô, lúa mỳ và đậu tương hầu như chỉ đi ngang với các mức thay đổi đều dưới 1%, mặc dù các khoảng dao động trong phiên là tương đối lớn.

Đậu tương là mặt hàng có mức giảm thấp nhất trong phiên hôm qua, với chỉ 0.16%. Giá có gapup nhỏ và dao động trong vùng giá 1380 – 1390 trong suốt phiên sáng, do những lo ngại về nguồn cung khi thị trường dự đoán USDA sẽ giảm dự báo tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 20/21 cùng với sản lượng của các nước Nam Mỹ trong báo cáo Cung – cầu tháng 1 tới đây. Tuy nhiên, việc đồng Dollar tăng giá tạo áp lực chốt lời lên toàn bộ thị trường hàng hóa nói chung đã khiến giá đậu tương giảm mạnh đến 20 cents ngay khi mở cửa phiên tối. Thông tin về đơn hàng 132,000 tấn đậu tương cho Trung Quốc trong báo cáo Daily Export Sales là yếu tố giúp cản lại đà giảm và hỗ trợ giá tăng trở lại sau đó. Tuy nhiên mức hỗ trợ 1370 trước đó quay trở lại thành mức kháng cự mới khiến cho giá bị chặn và giằng co quanh mức này cho đến hết phiên.

Khô đậu tương và dầu đậu tương diễn biến trái chiều rất mạnh trong phiên hôm qua do giá đậu tương đi ngang và nhiều yếu tố “bearish” tác động mạnh lên giá dầu đậu tương. Giá dầu cọ suy yếu sau khi mức tồn kho dầu cọ tháng 12 của Malaysia được MPOB công bố cao hơn dự đoán trước đó của thị trường. Bên cạnh đấy, giá dầu thô thế giới cũng liên tục giảm do tâm lý chốt lời đã tác động tiêu cực đến giá dầu đậu tương. Giá chỉ đi ngang trong vùng giá 43.00 – 44.00 trong phiên sáng nhưng đã giảm rất mạnh theo giá đậu tương khi mở cửa phiên tối. Mức hỗ trợ 43.00 cũng lập tức đảo chiều thành kháng cự khiến giá dầu đậu tương không vượt lại được mức này trong suốt phần còn lại của phiên. Diễn biến này của giá dầu đậu cùng lực mua kỹ thuật ở vùng giá 440 đã giúp cho giá khô đậu tương tăng mạnh đến 1.6% trong phiên hôm qua.

 

Ngô đóng cửa giảm 0.81% trong phiên đầu tuần, nhưng khoảng dao động khá rộng, lên đến hơn 10 cents. Thông tin chính phủ Argentina dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngô đã ban hành trước đó là yếu tố chính tác động đến giá ngô trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, việc chính phủ đưa ra mức giới hạn 30,000 tấn/ngày đang tiếp tục vấp phải phản đối của nông dân nước này và cuộc biểu tình kéo dài 3 ngày (11/01 – 13/01) vẫn sẽ được diễn ra. Bên cạnh đấy, thời tiết dù được cải thiện nhưng vẫn đang tác động tiêu cực đến mùa vụ ngô của cả Argentina lẫn miền nam Brazil, cùng với đơn hàng hơn 100k tấn ngô cho Colombia trong báo cáo Daily Export Sales là yếu tố cản trở đà giảm của giá ngô trong phiên hôm qua.

Lúa mỳ tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong ngày hôm qua, với mức giảm nhẹ 0.63%. Giá bất ngờ tăng vọt rất mạnh trong cuối phiên sáng khi các nước nhập khẩu chính như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Syria gấp rút tìm cách đảm bảo nguồn cung do Nga chuẩn bị áp dụng chính sách áp thuế xuất khẩu từ tháng 2 tới đây. Tuy nhiên, áp lực chốt lời cùng lực bán kỹ thuật ở mức kháng cự mạnh 650 và một đồng Dollar mạnh lên đã khiến giá suy yếu trong suốt phiên tối. Giao hàng lúa mỳ tuần này của Mỹ trong báo cáo Export Inspections giảm đến 41% cũng là yếu tố “bearish” đến giá lúa mỳ trong phiên hôm qua.