CBOT: Nhóm sản phẩm đậu tương và ngô quay trở lại xu hướng tăng

Hầu hết các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đều tăng trong ngày hôm qua, ngoại trừ giá lúa mỳ hầu như không thay đổi sau một phiên rung lắc khá mạnh.

Ngô và nhóm sản phẩm đậu tương đã quay trở lại với xu hướng chính trong trung và dài hạn, sau khi kết thúc phiên điều chỉnh trong đầu tuần này. Phần lớn thông tin cơ bản tác động đến các mặt hàng này đều “bullish”, do đó việc giá các mặt hàng này tăng trở lại không phải là điều gì quá bất ngờ và đã được dự đoán từ trước.

Đậu tương kết thúc ngày hôm qua với mức tăng hơn 10 cents. Giá đậu tương tăng liên tục trong nửa đầu phiên sáng sau đó chững lại, tuy nhiên đến phiên tối giá tiếp tục mạnh lên nhờ số liệu tích cực trong báo cáo Export Inspections tuần này của USDA. Cụ thể, giao hàng đậu tương tuần này đạt 2.16 triệu tấn, nhỉnh hơn so với khoảng dự đoán của thị trường. Lũy kế giao hàng từ đầu vụ đến nay cũng đã đạt hơn 9.0 triệu tấn (trong đó Trung Quốc chiếm đến 75), so với mức 5.16 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Đây là thông tin “bullish” mạnh khiến giá duy trì lực mua áo đảo sau thời điểm báo cáo phát hành cho đến cuối phiên. Mặc dù không có thông tin về việc Trung Quốc mua đậu tương Mỹ trong báo cáo Daily Export Sales hôm qua, tuy nhiên các nguồn tin thị trường cho biết nước này đã mua 5 tàu hàng trong hôm qua cho shipment tháng 1, trong đó 3 tàu của Mỹ và 2 tàu của Brazil. Trong bối cảnh tiến độ mùa vụ đang diễn rất chậm tại Brazil, Trung Quốc sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa việc mua hàng để hạn chế việc thiếu nguyên liệu trong giai đoạn đầu năm sau, và đây vẫn là thông tin quan trọng hỗ trợ giá đậu tương trong thời gian tới.

Trong báo cáo Crop Progress phát hành sáng nay, tiến độ thu hoạch của đậu tương đã tăng mạnh trong tuần vừa rồi, từ 38% lên mức 61%, cao hơn 2% so với dự đoán của thị trường. Việc thu hoạch nhanh có thể sẽ tạo áp lực lên giá đậu tương trong ngắn hạn, tuy nhiên chất lượng đậu tương tuần này giảm nhẹ 1%, sẽ hạn chế bớt áp lực bán.

Dầu đậu tương và khô đậu tương cùng tăng do ảnh hưởng từ mức tăng của giá đậu tương trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, như thường lệ, việc giá dầu đậu tương tăng mạnh tiếp tục tạo áp lực lớn lên giá khô đậu tương. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo cảnh báo rằng, hiện tượng La Nina có thể sẽ gây ra sự tàn phá trên diện rộng đối với ngành giao thông và nông nghiệp của đất nước trong những tháng tới, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu cọ. Theo dữ liệu Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), xuất khẩu dầu cọ trong tháng 8 của nước này cũng giảm 14,4% về mức 2,68 triệu tấn. Các thông tin này đã giúp giá dầu cọ có phiên tăng thứ 7 liên tiếp trong ngày hôm qua, vết hợp với mức tăng của thị trường dầu thô đã giúp cho giá dầu đậu tương tăng mạnh trở lại.

Ngô tiếp tục duy trì các diễn biến giống hệt với đậu tương trong phiên sáng và đầu phiên tối. Giá ngô chỉ dao động chủ yếu quanh mức 390 với biên độ trên dưới 2 cent trong cả ngày hôm qua. Trong báo cáo Daily Export Sales, USDA cho biết đã bán 120,000 tấn ngô cho Mexcico, thông tin này đã giúp giá ngô tăng vọt trong đầu phiên tối nhưng không đủ mạnh để giúp giá ngô có thể bứt ra được khỏi vùng giá này. Giao hàng ngô tuần này lại giảm nhẹ trong báo cáo Export Inspections, cũng khiến cho đà tăng bị chững lại và lình xình đến cuối phiên. Giá ngô CBOT đang được hỗ trợ khá tích cực nhờ thông tin giá ngô nội địa Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục do tiến độ thu hoạch chậm và nguồn cung nội địa eo hẹp. Thị trường đang kỳ vọng lớn vào việc chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải nâng hạn ngạch nhập khẩu lên cao hơn so với mức 7 triệu tấn hiện nay, để bù đắp lại việc thâm hụt cung – cầu. Dự kiến Trung Quốc sẽ thu hoạch khoảng 265 triệu tấn ngô trong năm nay, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ của nước này phải cần tới 288 triệu tấn. Mặc dù vậy, báo cáo Crop Progress sáng nay có thể sẽ có một chút tác động “bearish” đến thị trường, khi mà tốc độ thu hoạch ngô cũng được cải thiện đáng kể trong tuần vừa rồi. Tiến độ thu hoạch hiện tại đã đạt 41%, tăng 16% so với tuần trước và cũng cao hơn 2% so với dự đoán của thị trường.

Lúa mỳ có phiên thứ 2 liên tiếp diễn biến trái chiều với các mặt hàng còn lại trong nhóm nông sản. Tuy nhiên cũng giống như với phiên đầu tuần, giá lúa mỳ đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể, mặc dù rung lắc khá mạnh trong phiên. Giá lúa mỳ đã tăng mạnh trong phiên sáng và đã 2 lần vượt lên trên mức 600, vẫn do các lo ngại về thời tiết khô hạn tại các nước khu vực biển Đen và ở Mỹ. Trong báo cáo mới nhất của mình, hãng tư vấn APK-Inform đã giảm nhẹ dự báo sản lượng lúa mỳ năm nay xuống mức 25.1 triệu tấn, thấp hơn 200,000 tấn so với báo cáo trước. Bộ Nông nghiệp Pháp cũng giảm dự báo sản lượng lúa mỳ mềm năm nay đi 300,000 tấn, xuống còn 29.2 triệu tấn. Tuy nhiên các thông tin này là không đủ để giúp giá lúa mỳ vượt lên được khỏi mức kháng cự tâm lý rất mạnh này, vì thế lực bán kỹ thuật đã đẩy giá lúa mỳ giảm mạnh vào đầu phiên tối. Thời tiết tại Nga đang có một chút cải thiện tại phía bắc khu vực trung tâm, tuy nhiên phần lớn diện tích vẫn chưa có mưa trong thời gian tới, việc này khiến cho nông dân rất hạn chế bán hàng, đã giúp giá lúa mỳ bật tăng trở lại tại vùng giá 590. Vẫn chưa có kết quả của các phiên đấu thuần từ một số quốc gia nhập khẩu chính đang hỏi mua hàng. Tiến độ gieo trồng lúa mỳ vụ đông cũng chỉ nhanh hơn 1% so với dự đoán của thị trường trong báo cáo Crop Progress. Do đó nhiều khả năng giá vẫn sẽ giằng co trong khoảng 590 – 600 trong hôm nay để chờ thêm các thông tin cơ bản.