CBOT: Nhóm nông sản đồng loạt tăng trong phiên đầu tuần nhờ thông tin mới về vaccine

Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT trong phiên đầu tuần. Thông tin tích cực về một loạt vaccine mới của Moderna, phát triển song song cùng với Pfizer, cho hiệu quả lên đến 95% đã tác động mạnh đến toàn bộ thị trường tài chính và thị trường hàng hóa trong ngày hôm qua.

Đậu tương chỉ tăng 5.5 cents trong ngày hôm qua, sao một phiên giằng co khá mạnh xung quanh vùng giá quan trọng 1150. Giá hầu như chỉ đi ngang trong phiên sáng với lực mua có phần nhỉnh hơn do thông tin nông dân tại Brazil sẽ phải gieo trồng lại 1% diện tích đậu tương dự kiến do thời tiết khô hạn kéo dài trong những tuần trước. Sau đó, giá bật tăng mạnh vào cuối phiên sáng sau khi có thông tin về vaccine từ Moderna. Việc vẫn không có thêm các đơn hàng lớn trong báo cáo của USDA đã khiến ra rơi ngay sau khi mở cửa phiên tối, tuy nhiên sau đó lực mua đã áp đảo đến cuối phiên chủ yếu vẫn do nguồn cung thực tế vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt. Báo cáo ép dầu của NOPA trong ngày hôm qua cho biết, ép dầu đậu tương của Mỹ trong tháng 10 đạt mức cao kỷ lục 185.25 triệu giạ, so với mức 181.37 trước đó được thiết lập vào tháng 3 năm nay, cũng góp phần hỗ trợ giá đậu tương duy trì đà tăng đến cuối phiên.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đồng loạt tăng theo giá đậu tương nhưng vẫn tiếp tục với các biên độ khác nhau. Giá 2 mặt hàng trên trái chiều chiều nhau trong phiên sáng, khi mà dầu đậu tương yếu đi cùng với mức giảm của giá dầu cọ sau khi đã tăng rất mạnh trong tuần trước, qua đó hỗ trợ giá khô đậu tương mạnh lên. Trong khi giá dầu đậu tương tăng liền một mạch sau đó theo đà tăng của thị trường dầu thô sau thông tin mới về vaccine, thì giá khô đậu rơi mạnh cùng với giá đậu tương trong đầu phiên tối. Mặc dù cũng tăng trở lại sau đó, tuy nhiên lực bán kỹ thuật tại mức kháng cự mạnh 390 khiến giá khô đậu tương vẫn chưa thể vượt qua được và giảm nhẹ trở lại vào cuối phiên.

Ngô là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong ngày hôm qua với lực mua lấn át trong cả phiên sáng và phiên tối. Giống như Giaodich24 đã dự đoán trước đó, các thông tin tác động tiêu cực hầu như đã phản ánh hết vào giá ngô trong tuần trước, do đó giá ngô khó có thể giảm về dưới 410 ngay cả khi lúa mỳ vẫn yếu đi trong phiên sáng. Sau đó, dù vẫn chưa được xác nhận chính thức từ USDA, nhưng trên thị trường đã xuất hiện các thông tin về việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh mua ngô Mỹ, với 500,000 tấn đặt trước vào cuối ngày thứ Sáu và dự kiến sẽ thêm 3-4 tàu nữa vào thứ Hai. Giá dầu thô tăng mạnh sau khi có tin tích cực về vaccine cũng giúp cho thị trường kỳ vọng hơn vào nhu cầu đối với ethanol trong thời gian tới. Các thông tin này cùng với điều kiện thời tiết đang khá bất lợi ở miền nam Brazil và phía bắc Argentina đã giúp lực mua áp đảo trong suốt phiên tối, vượt qua cả mức kháng cự 415.

Lúa mỳ đóng tiếp tục tăng phiên thứ 2 liên tiếp, do ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của giá ngô. Giá lúa mỳ yếu đi trong suốt phiên sáng khi không có thêm bất cứ thông tin “bullish” nào trong suốt cuối tuần vừa rồi, trái lại, thời tiết còn được cải thiện đáng kể ở các vùng gieo trồng ở Mỹ và Nga. Trung Quốc vẫn tiếp tục bán đấu giá lúa mỳ ra ngoài thị trường, và mặc dù lượng bán đã giảm đáng kể so với các tuần trước đó, nhưng nhu cầu bổ sung dự trự vẫn sẽ là ưu tiên của nước này trong thời gian tới. Sở giao dịch ngũ cốc Rosario của Argentina (BCR) tiếp tục giảm dự báo xuất khẩu lúa mỳ niên vụ 20/21 tại Argentina về mức 10 triệu tấn, so với mức 10.2 triệu tấn trong báo cáo trước và 12.2 triệu tấn niên vụ trước, cũng là yếu tố hỗ trợ giá lúa mỳ duy trì đà tăng đến cuối phiên. Tuy nhiên lực mua là chưa đủ đến khiến giá lúa mỳ vượt lên được mức kháng cự tâm lý rất mạnh 600. Việc đóng cửa ở ngay dưới mức này có thể tác động đến giá lúa mỳ trong phiên hôm nay, nhất là sau khi USDA tiếp tục tăng chất lượng tốt – tuyệt vời của lúa mỳ vụ đông lên 1% trong báo cáo Crop Progress sáng nay.