CBOT: Lực mua vẫn áp đảo trên thị trường nông sản ngay sát lễ Giáng sinh

Kết thúc phiên giao dịch 23/12, toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT tiếp tục tăng rất mạnh với các mức tăng từ 1 – 2%, bất chấp các số liệu bán hàng được đánh giá là tiêu cực trong báo cáo Export Sales tuần này.

Tổng thống Trump đã không ký gói cứu trợ mà Quốc hội đề xuất trong ngày hôm qua vì cho rằng mức hỗ trợ với từng người dân này không hợp lý. Rất có khả năng người dân sẽ còn phải chờ đến khi chính quyền mới của ông Biden chính thức lên nắm quyền thì các gói cứu trợ này mới trở thành hiện thực. Vì thế, việc giá hàng hóa, cổ phiếu và một loạt tài sản đồng loạt tăng giá thời gian gần đây bất chấp việc nền kinh tế vẫn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các chuyên gia lo ngại về một bong bóng tài chính mới.

Đậu tương tăng gần 1% trong phiên tăng thứ 5 liên tiếp, lên mức 1258.75 cent/giạ. Lực mua đã áp đảo ngay từ đầu phiên sáng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt dẫn đến không có lực bán. Bán hàng đậu tương tuần vừa rồi chỉ đạt mức 517,800 tấn, thấp hơn cả khoảng dự đoán của thị trường. Đây rõ ràng là một số liệu “bearish”, khi mà trên thị trường hàng thực, Trung Quốc vẫn đang quan tâm nhiều hơn đến đậu tương Brazil, kể cả khi lợi nhuận ép dầu thấp hơn. Đà tăng đã chững lại vào cuối phiên hôm qua nhưng chỉ giảm nhẹ. Câu hỏi đặt ra tại thời điểm này là thị trường không phản ứng với các thông tin này hay là chưa phản ứng. Hiện các quỹ đầu cơ đang nắm giữ khoảng 249,000 hợp đồng mua ròng, tăng hơn 40% so với từ đầu tháng 12 đến nay. Vì thế, giá đậu tương đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể khiến giá đi vào giai đoạn điều chỉnh từ nay cho đến hết năm.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đều tăng mạnh trong phiên hôm qua nhờ ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của đậu tương cùng với lo ngại về nguồn cung gián đoạn khi công nhân tại Argentina đã đình công ngày thứ 13 liên tiếp. Giá dầu cọ cũng tăng vọt gần 3%, lên gần mức cao nhất trong vòng 9 năm do tác động từ việc chính phủ áp dụng lại thuế xuất khẩu từ tháng 1 tới với mức thuế cao hơn năm nay. Trong khi đó, ép dầu đậu tương tháng 11 của Argentina cũng chỉ đạt 2.97 triệu tấn, thấp hơn mức dự đoán của thị trường. Lũy kế ép dầu trong 11 tháng đầu năm 2020 của nước này hiện chỉ đạt 35 triệu tấn, và là mức thấp thứ 2 trong vòng 7 năm trở lại đây, giúp giá khô đậu tương cũng tăng mạnh 1.5% bất chấp áp lực trái chiều với giá dầu đậu tương.

Ngô tiếp tục có phiên tăng thứ 9 liên tiếp với mức tăng gần 1%, lên sát mức kháng cự quan trọng 450. Nhóm sản phẩm đậu tương và cả lúa mỳ đều tăng mạnh, tác động tích cực lên giá ngô, bất chấp các số liệu bán hàng trong báo cáo Export Sales và sản lượng ethanol đều thiêu về “bearish”. Trung Quốc và Mexico đều không mua hàng ngô Mỹ trong tuần vừa rồi, đẩy doanh số ngô tuần vừa rồi rơi xuống mức thấp nhất niên vụ. Sản lượng ethanol dù tăng nhẹ lên mức 976,000 thùng/ngày nhưng kéo theo đó là mức tồn kho tăng, cho thấy nhu cầu đang chững trái với xu hướng thông thường trong dịp cuối năm. Các quỹ đã nâng tổng vị thế mua ròng của mình lên trên 300,000 hợp đồng trong ngày hôm qua. Tương tự như câu hỏi đặt ra với trường hợp của đậu tương, giá ngô dường như đang bỏ qua các yếu tố cơ bản, vì thế đà tăng này đang không bền và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh trong giai đoạn cuối năm.

Lúa mỳ đóng cửa tăng mạnh hơn 2% lên mức 629.75 cent/giạ, cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Lúa mỳ cũng là mặt hàng tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản và giúp giá vượt hẳn lên khỏi khoảng dao động 595 – 620 đã bị kẹt lại trong suốt 2 tuần nay. Jordan và Bangladesh đã quay trở lại mua hàng thông qua các phiên đấu thấu quốc tế, mặc dù khối lượng mua không quá lớn. Tuy nhiên, kết hợp với bối cảnh đồng Dollar giảm trở lại sau 3 phiên tăng liên tiếp đã giúp giá lúa mỳ tăng vọt trong cuối phiên sáng và đầu phiên tối.