CBOT: Giá nông sản giảm nhẹ do tâm lý e ngại rủi ro về cuộc bầu cử năm nay

Bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT chia làm 2 nửa xanh đỏ khi đóng cửa phiên cuối tuần, nhưng không phải giữa các mặt hàng mà là sự khác biệt giữa các hợp đồng tháng gần với các hợp đồng tháng xa.

Tất cả các hợp đồng tháng liền kề của nhóm nông sản đều giảm nhẹ trong ngày hôm qua do tâm lý e ngại về các rủi ro có thể xảy ra trong cuối tuần này, khi mà kết quả cuộc tổng thống vẫn chưa ngã ngũ. Xác suất chiến thằng của ông Joe Biden đã lên đến 98%, khi mà ông đã vươn lên dẫn trước ở 2 bang chiến trường quan trọng khác là Georgia và Pennsylvania, dù đã liên tục bị dẫn trước kể từ ngày bầu cử. Do đó, đây cũng là lý do dẫn đến mức tăng của các hợp đồng tháng xa.

Đậu tương đóng cửa giảm hơn 2 cents trong ngày hôm qua nhưng đã tăng đến 45 cents trong suốt tuần này. Giá cũng đã tăng khi mở cửa phiên sáng nhưng tâm lý chốt lời cùng việc hạn chế rủi ro khi nắm giữ vị thế qua cuối tuần đã khiến giá giảm trở lại. Tuy nhiên, đa phần các thông tin ở thời điểm hiện tại đều tác động “bullish” đối với giá đậu tương. Trung Quốc đã quay lại mua hàng sau hơn 20 ngày vắng bóng với 132,000 tấn được xác nhận trong báo cáo hàng ngày của USDA. Cộng thêm với 272,150 tấn từ một quốc gia giấu tên khác và lực mua hỗ trợ tại vùng giá tâm lý 1100 đã khiến lực bán bị cản lại khiến giá đậu tương chỉ đi ngang trong toàn bộ phiên tối. Việc giữ được mức 1100 là tiền đề cho việc giá đậu tương có thể bật lên rất mạnh trong thời gian tới, sau khi có kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Thị trường đang rất lạc quan về việc giá đậu tương sẽ có thể còn lên đến mức 1200 như thời điểm 4 năm trước.

Dầu đậu tương và khô đậu tương cũng đồng loạt giảm trong phiên hôm qua và chủ yếu là do tâm lý chốt lời. Khô đậu tương lại một lần nữa giảm mạnh khi chạm lên mức kháng cự 390, giống như Giaodich24 đã phân tích trước đó. Với tình hình cung cầu hiện nay, giá khô đậu tương chỉ có thể vượt qua mức kháng cự này nếu giá đậu tương vượt lên trên hẳn vùng giá 1100. Trong khi đó, áp lực chốt lời của giá dầu cọ Malaysia sau khi lên mức đỉnh 8 năm đã tác động tiêu cực đến giá dầu đậu tương, xóa đi toàn bộ mức tăng có được sau đơn hàng 30,000 tấn dầu đậu tương của Mỹ bán cho Hàn Quốc trong báo cáo Daily Export Sales hôm qua. Tương tự như đối với khô đậu tương, dầu đậu cũng cần một sự vững chắc của giá đậu tương để có thể vượt qua được vùng giá 35.50 trong thời gian tới.

Ngô giảm trong phần lớn phiên tối qua, sau khi rung lắc với biên độ 3 cents quanh mức mở cửa trong phiên sáng. Bất chấp đơn hàng 206,900 tấn ngô Mỹ đã bán cho một nước giấu tên trong báo cáo bán hàng hàng ngày của USDA, việc giá lúa mỳ giảm mạnh đã gây sức ép lên giá ngô, khiến lực bán vẫn nhỉnh hơn. Thời gian gần đây, giá lúa mỳ và giá ngô luôn có diễn biến song hành với nhau do vai trò có thể thay thế lẫn nhau của 2 mặt hàng này. Trong báo cáo mới nhất của USDA chi nhánh Trung Quốc, cơ quan này đã tăng dự báo nhập khẩu ngô 20/21 lên mức 22 triệu tấn, so với 7 triệu tấn trong báo cáo Cung – cầu tháng 10. Việc này sẽ khiến USDA sẽ phải điều chỉnh lại các dự báo về xuất nhập khẩu, cũng như là tồn kho thế giới, và là yếu tố “bullish” tiềm ẩn với giá ngô trong tuần tới.

Lúa mỳ tiếp tục có diễn biến rung lắc mạnh trong phiên cuối tuần. Giá giảm nhẹ trong đầu phiên sáng nhưng bất ngờ tăng đến 10 cents sau đó với lực mua áp đảo cho đến đầu phiên tối. Đến phiên tối, giá lúa mỳ đã giảm mạnh trở lại do ảnh hưởng từ việc sắp có một lượng lớn nguồn cung từ Úc đẩy ra thị trường. Giá lúa mỳ Úc hiện tại đang thấp hơn khu vực biển Đen và dự kiến sẽ có lấn át khu vực này trong thời gian tới, khi mà căng thẳng thương mại có thể khiến Trung Quốc cấm nhập khẩu lúa mỳ từ Úc và qua đó làm giá lúa mỳ từ nước này có thể giảm hơn nữa. Điều này sẽ gây sức ép cạnh tranh lên giá lúa mỳ các nước, và khiến giá lúa mỳ CBOT yếu đi, bất chấp việc đồng Dollar tiếp tục suy giảm trong ngày hôm qua. Tuy nhiên việc đóng cửa vẫn giữ được vùng giá hỗ trợ tâm lý quan trọng 600 sẽ có giúp giá lúa mỳ có thể tăng trở lại vào tuần sau, trong bối cảnh thời tiết nhìn chung vẫn khá bất lợi tại các khu vực gieo trồng ở Mỹ và các quốc gia biển Đen.