CBOT: Giá lúa mỳ tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp

Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trong phiên cuối tuần. Lúa mỳ tiếp tục gây bất ngờ khi có phiên tăng rất mạnh thứ 3 liên tiếp, trong khi ngô và toàn bộ nhóm sản phẩm đậu tương chỉ tăng nhẹ chưa đến 1%.

Tác động từ các số liệu “bullish” trong báo cáo WASDE tháng 12 dường như đến phiên cuối tuần mới được phản ánh vào các hành động mua bán của thị trường. Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng nông sản chỉ đang trong trạng thái lình xình đi ngang do thiếu thông tin cơ bản.  

Đậu tương đóng cửa tăng nhẹ 0.67%, bù lại toàn bộ mức giảm trong phiên trước đó. Thời tiết tiếp tục được dự báo có mưa ở Nam Mỹ trong vài ngày tới tiếp tục là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá đậu tương trong phiên sáng. Tuy nhiên, giá bắt đầu tăng mạnh trở lại khi bước vào phiên tối nhờ lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 1150. Cộng với một thực tế là, USDA đã giảm dự báo tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 20/21 trong 4 tháng liên tiếp, dù không thấp như kỳ vọng của thị trường nhưng rõ ràng đấy không phải thông tin “bearish”. Giá đậu tương chủ yếu vẫn đi ngang với vùng giá 1150 – 1170 từ đầu tháng 12 đến nay và nhiều khả năng cũng chưa có biến động nào đáng kể trong tuần tới.

Khô đậu tương và dầu đậu tương có diễn biến tương tự như với đậu tương trong phiên cuối tuần. Giá đều giảm nhẹ trong phiên sáng nhưng tăng vọt trở lạ trong phiên tối. Các cuộc đình công ở Argentina sẽ còn kéo dài hết thứ Bảy và chưa có khả năng suy giảm trong tương lai vẫn đang hỗ trợ tích cực đến cả hai mặt hàng. Đơn hàng 130,000 tấn khô đậu tương của Mỹ bán cho Phillippines cộng thêm với lực mua hỗ trợ mạnh vào cuối phiên tại mức giá 380 khiến mức tăng của khô đậu tương có phần mạnh hơn so với dầu đậu tương.

Ngô đã giảm khá mạnh trong phiên sáng qua nhưng đã bật tăng trở lại trong phiên tối từ mức hỗ trợ 418. Mặc dù tồn kho ngô Mỹ 20/21 được USDA giữ nguyên dự báo so với báo cáo tháng trước, nhưng tồn kho lúa mỳ thế giới 20/21 lại bị giảm dự báo đi 4.5 triệu tấn, vẫn là thông tin tác động “bullish” trong ngắn hạn, sau khi được thị trường nghiên cữu kỹ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu kéo giá ngô tăng mạnh vẫn là xu hướng tăng đột biến của giá lúa mỳ trong 3 phiên trở lại đây, do vai trò thay thế lẫn nhau của hai mặt hàng này trong hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Lúa mỳ tiếp tục có phiên thứ 3 tăng mạnh liên tiếp, và tính từ mức thấp nhất hôm thứ Ba, giá lúa mỳ đã tăng vọt đến gần 10%. Khoảng dao động trong phiên hôm qua của lúa mỳ cũng là lớn nhất kể từ đầu tháng 10 đến nay, với gần 30 cents. Tác động lớn nhất đến giá lúa mỳ ở thời điểm hiện tại vẫn là các thông tin về chính sách của Nga. Trong ngày hôm qua, thị trường tiếp tục nhận được các tin đồn về việc Nga dự kiến sẽ áp thuế xuất khẩu lúa mỳ ở mức 27.32 USD/tấn trong giai đoạn 15/02 – 30/06. Lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung và lực mua kỹ thuật tại vùng giá 600 đã khiến giá tăng đến gần 20 cents sau khi mở cửa phiên tối. Đà tăng chỉ bị cản lại vào cuối phiên do kháng cự ở vùng giá 620 cùng với tâm lý chốt lời sớm của giới đầu cơ. Các quỹ cũng bổ sung đến 20,000 hợp đồng mua ròng trong phiên hôm qua, góp phần không nhỏ vào mức tăng trên của giá lúa mỳ.